Số mệnh (P1)

Nhiều người vẫn tin rằng bất kỳ ai cũng được sinh ra với một số mệnh riêng. Số mệnh ấy quy định hoàn cảnh ra đời của mỗi người (Sinh ra trong gia đình giàu sang hay nghèo hèn…). Số mệnh cũng chi phối tố chất của mỗi người (Sinh ra với thân tướng đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay đau yếu, thông minh hay ngu đần...). 

Số mệnh cũng chi phối mối tương quan với những người khác (Được nhiều người thương yêu giúp đỡ hay bị nhiều người ghét bỏ hãm hại…). Số mệnh cũng chi phối sự thăng trầm trong cuộc đời (Lúc nào thì cuộc sống được an vui, lúc nào thì gặp nhiều tai ương hoạn nạn, lúc nào sự nghiệp thăng hoa, lúc nào thì lụn bại...).

Ta có thể làm gì với số mệnh của chính mình? - Ảnh minh họa

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta hãy cùng giải quyết các câu hỏi sau: Có hay không có số mệnh? Số mệnh do đâu mà có? Số mệnh là tất định hay bất định? Ta có thể làm gì với số mệnh của chính mình?

Có hay không có số mệnh?

Trước đây, cuộc sống của con người lệ thuộc rất lớn vào sản xuất nông nghiệp. Năm nào được mùa thì no đủ. Năm nào thất mùa thì đói kém. No đủ thì xã hội an vui, ít trộm cắp. Đói kém thì xã hội bất ổn, nhiều trộm cắp, thậm chí tàn hại lẫn nhau. Cuộc sống của con người an vui no đủ hay không, tùy thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp lệ thuộc vào thời tiết. Theo quan điểm của nhiều người ở thời ấy, thời tiết phụ thuộc vào ý muốn, sự sắp đặt của thượng đế hay ông trời. Như vậy vận mệnh của con người là do ông trời an bài, sắp đặt.

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã chỉ ra rằng ý muốn hay sự sắp đặt của ông trời, thật ra chỉ là các quy luật tự nhiên. Nếu biết được các quy luật này, chúng ta có thể làm chủ sản lượng nông nghiệp, khống chế dịch bệnh. Do đây cuộc sống con người không còn lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Vận mệnh của con người, từ tay ông trời được chuyển giao vào tay con người. Ông trời không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, nên niềm tin vào số mệnh do trời sắp đặt cũng phai nhạt bớt.

Hiện nay, nhiều người tin rằng số mệnh không sẵn có. Số mạng của ta tùy thuộc vào mức độ trí tuệ, mức độ sáng tạo, mức độ siêng năng, ý chí phấn đấu của ta mà nó trở thành tốt hay xấu. Số mệnh của ta do chính ta tạo ra ngay trong đời này. Quan điểm này được biện minh, khi trên thế giới có những người sinh ra trong điều kiện bình thường, nhưng nhờ có sự siêng năng, sáng tạo v.v… vẫn tạo ra được một sự nghiệp lừng lẫy. Những người siêng năng học hỏi, siêng năng làm việc dễ có một cuộc sống, một sự nghiệp tốt hơn những người ham chơi lười biếng.

Mặc dù thế, quan điểm trên có nhiều khiếm khuyết. Nó không lý giải được sự sai khác về hoàn cảnh, tố chất của mỗi người khi ra đời. Không lý giải được tại sao hai người cùng có hoàn cảnh như nhau, tri thức tương đương, không khác nhau nhiều về khả năng sáng tạo, lại có hai sự nghiệp khác nhau. Có những người dù luôn cố gắng học hỏi làm việc mà đời sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Có những người sống một cách nhàn hạ, không cố gắng nhiều mà cuộc sống vẫn dễ dàng tốt đẹp. Ngay ở nơi một người, có những lúc dù rất cố gắng siêng năng, sự nghiệp vẫn không thăng tiến, nhưng có những lúc dù không cố gắng nhiều, sự nghiệp vẫn tiến triển vượt bực. Và trong cuộc sống, có những sự kiện may mắn hay xui xẻo khi xuất hiện có thể thay đổi cuộc sống của ta một cách mạnh mẽ. Sự xuất hiện của các sự kiện ấy nhiều khi nằm ngoài mọi tiên liệu của chúng ta, ngoài dự đoán của các ngành khoa học, nhưng nó có thể gây ra hậu quả to lớn vượt xa mọi khả năng phấn đấu của ta.

Rõ ràng cuộc đời và sự nghiệp của ta không chỉ phụ thuộc vào ý chí phấn đấu của ta. Nó còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, mà chúng ta gọi là “thời vận”. Thời vận là một biểu hiện của “số mệnh”. Như vậy, dù đang ở trong thời đại khoa học, dù có tinh thần khoa học triệt để, chúng ta vẫn không thể phủ nhận vai trò của “số mệnh” trong cuộc đời của mỗi người.

Nguồn gốc của “số mệnh”

Vì không thể phủ nhận “số mệnh”, nên câu hỏi kế tiếp là “số mệnh” do đâu mà có?

Đây là đề tài được nhiều tôn giáo, nhiều đạo gia, nhiều triết gia quan tâm. Hiện chúng ta có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng có thể quy tất cả vào hai quan điểm chính.

1- Số mệnh do một thế lực bên ngoài tạo ra. Như có tôn giáo cho rằng, số mệnh là do trời hay một vị thượng đế sắp đặt.

2- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo ra. Quan điểm này lại được phân thành hai:

- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy trong đời này.

- Số mệnh do chính mỗi người tự tạo lấy qua nhiều đời trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong đời này. Có thể xem đây là quan điểm của nhà Phật. Thật ra, nhà Phật không gọi là số mệnh mà gọi là nhân quả nghiệp báo. Vì cuộc đời là một chuỗi nhân quả nghiệp báo tương tục không gián đoạn.

“Số mệnh” của mỗi người mang tính tất định hay bất định?

Chúng ta có thể xem số mệnh là một chuỗi thăng trầm đổi thay trong cuộc đời của một người. Nếu chuỗi đổi thay ấy được xác định một cách rõ ràng theo thời gian, chúng ta có thuyết định mệnh. Trong trường hợp này, số mệnh mang tính tất định.

Thông thường quan điểm cho rằng số mệnh do trời sắp đặt, dễ được diễn dịch thành thuyết định mệnh. Thuyết này có một nhược điểm: Nếu số mệnh là định mệnh, không thể thay đổi thì mọi tạo tác của ta trong đời này trở thành vô nghĩa. Thật ra, đối với một số tôn giáo lớn, dù vẫn cho số mệnh do trời hay thượng đế sắp đặt, nhưng nếu chúng ta sống thuận ý trời, đẹp ý Chúa thì vẫn được những tưởng thưởng xứng đáng. Nói vậy là đã thừa nhận số mệnh có phần bất định.

Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính chúng ta tự tạo ngay trong đời này, vậy khi chưa có ý thức tạo lập cuộc đời, số mệnh hoàn toàn bất định. Nhiều triết gia phương Tây, dù không đề cập đến số mệnh, nhưng vô tình họ đã ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng con người chỉ sinh ra một lần trong đời, không có quá khứ, không bị ràng buộc bởi quá khứ. “Thượng đế đã chết rồi” nên không còn ai sắp đặt cho ta một số mệnh. Yếu tính của con người là tự do. “Người nào tự mình tự do lựa chọn, tự mình tạo nên mình, tự mình là thành quả của mình, kẻ ấy mới đích thực hiện hữu”. Việc cho rằng, chúng ta sinh ra với một số mệnh như tờ giấy trắng, hoàn toàn bất định, số mệnh trở thành thế này hay thế kia tùy theo sự tạo tác của ta, sẽ vấp phải các nhược điểm như đã nói ở phần I.

Với quan điểm cho rằng, số mệnh do chính ta tạo ra trong quá khứ và đang tiếp tục tạo ra trong hiện tại thì số mệnh này không hẳn là tất định cũng không hẳn là bất định. Quan điểm này của nhà Phật không vấp phải các nhược điểm trên và cho ra một lý giải hoàn toàn phù hợp với thực tế. Quan điểm này được trình bày đầy đủ qua lý Nhân quả Nghiệp báo.

Theo lý Nhân quả, bất kỳ một sự kiện nào xuất hiện trong đời đều có nguyên nhân của nó. Các nguyên nhân này do mỗi người tự tạo lấy, thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý nên gọi là "nghiệp nhân". Trong ba nghiệp, ý đóng vai trò chủ đạo.

Những nghiệp nhân thời quá khứ khi đủ duyên cho ra quả thời hiện tại.

Những nghiệp nhân thời quá khứ và đang được tạo ra ở thời hiện tại, khi đủ duyên sẽ cho ra quả ở thời vị lai.

Quả là những sự kiện xuất hiện trong đời sống của ta.

Những nghiệp nhân thời quá khứ và hiện tại liên tục cho ra quả thời hiện tại và vị lai. Những quả ấy nối tiếp nhau tạo thành dòng sống của mỗi người. Do không thể truy tìm dược chỗ khởi đầu của dòng sống, nên nói rằng dòng sống đã xuất hiện từ vô thủy. Đời người chỉ là một đoạn ngắn trên dòng sống dài như vô tận ấy. Như vậy, chúng ta, ai cũng trải qua vô lượng đời kiếp, trôi lăn trong sanh tử luân hồi cho đến ngày hôm nay. Đời sống hiện tại, là cái quả nối tiếp của những đời quá khứ và là nhân của các đời vị lai.

Các nghiệp nhân được phân thành hai loại, thiện và ác. Nghiệp nhân thiện cho ra quả tốt. Nghiệp nhân ác cho ra quả xấu. Nếu quá khứ tạo được nhiều nghiệp nhân thiện thì hiện đời sẽ có nhiều sự kiện tốt xuất hiện trong đời sống của ta. Ngược lại, sẽ có nhiều sự kiện xấu xuất hiện trong đời. Trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều nghiệp nhân, thiện ác lẫn lộn, nên hiện đời cuộc sống có lúc tốt, lúc xấu, lúc thăng, lúc trầm… Chính điều này đã làm nên ý nghĩa của số mệnh.

Như vậy số mệnh không do một vị thượng đế hay một ông trời sắp đặt mà do chính mỗi người tự tạo lấy trong quá khứ và đang được tiếp tục tạo ra trong hiện tại.

Do cuộc sống ở hiện đời là cái quả của những gì chúng ta đã gây tạo từ những đời trước, nên khi sinh ra chúng ta phải thừa hưởng những nghiệp nhân mà chính mình đã tạo ra trong quá khứ. Như vậy chúng ta không sinh ra với một số mệnh hoàn toàn bất định, mà vẫn có một “số mệnh” chi phối đời sống của chúng ta. Chính “số mệnh” này đã quy định hoàn cảnh, tố chất của mỗi ngươi khi được sinh ra. Do mỗi người đều tạo ra những nghiệp nhân riêng, nên hoàn cảnh của mỗi người khi ra đời cũng riêng khác.

Dù “số mệnh” đã có khi ra đời, nhưng “số mệnh” đó lại do ta tạo ra dưới sự chi phối của lý Nhân quả, nên nó không phải là định mệnh không thể thay đổi. Nếu “số mệnh” là định mệnh thì mọi hành vi tư tưởng của ta trong đời này hoàn toàn vô nghĩa. Sống đạo đức hay phi đạo đức, sống vị kỷ hay vị tha, sống lười biếng hay siêng năng v.v… đều như nhau. Điều này không phù hợp với thực tế. Cho nên, “số mệnh” vẫn có phần bất định.

(Còn tiếp)

Vài suy nghĩ về quan niệm định mệnh và Phật giáo

“Oedipe, số phận của ngươi thật là khủng khiếp: Ngươi sẽ giết bố, lấy mẹ”. Đó là lời sấm ngôn trong bi kịch Oedipe của ...

Một số vấn đề về Nghiệp

Nghiệp là một trong những vấn đề hết sức phức tạp trong đời sống con người. Đức Phật cho biết, nếu chưa chứng được Tam ...

http://giacngo.vn/nguyetsan/triethoc/2014/09/09/1E6452/

/ Giác Ngộ Online