- Siêu bão Milton tàn phá Florida: Sập cần cẩu, tốc mái sân vận động
- Siêu bão Milton đổ bộ, 700.000 ngôi nhà ở Florida có thể bị nhấn chìm
- Mỹ hủy, hoãn hơn 2.000 chuyến bay vì siêu bão Milton
Sáng 10/10 (theo giờ Việt Nam), bão Milton đã đổ bộ vào bang Florida, Mỹ với sức gió lên đến 193km/h, đe dọa nghiêm trọng khu vực bờ biển phía Tây Florida. Có thể nói, bão Milton không chỉ gây ra thiệt hại lớn về vật chất mà còn phản ánh cuộc đối đầu giữa hai phe phái chính trị Mỹ, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến rất gần.
Mặc dù siêu bão Milton đã suy yếu xuống cấp độ 2 theo thang bậc 5 cấp độ, song cơn bão đã tăng gấp đôi về quy mô, đúng nghĩa "cơn bão lớn cực kỳ nguy hiểm" với sức gió duy trì tối đa lên đến 195km/h. Được dự đoán là cơn bão tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ, bão Milton đã buộc hơn 1 triệu người dân ở bang Florida phải sơ tán và đặt nước Mỹ vào tình huống phòng thủ cao độ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuyên bố ngày 9/10 đã kêu gọi mọi người dân tuân thủ các khuyến nghị về an toàn tại địa phương, cho đây “thực sự là vấn đề sống còn”. Các nhà phân tích ước tính, ngành bảo hiểm toàn cầu sẽ phải chi trả tới 60 đến 100 tỷ USD vì cơn bão này. Dự báo thiệt hại do bão Milton có thể ngang bằng với cơn bão Katrina năm 2005, thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong khi đó, bang Florida - một trong những bang “chiến trường” quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 - liên tiếp hứng chịu những cơn bão lớn, bao gồm bão Helene hồi cuối tháng trước và siêu bão Milton mới đây. Với người dân Florida, đây thực sự là tình cảnh “bão chồng bão”, bởi chỉ 2 tuần trước họ đã phải “quay cuồng” với bão Helene, với 2 triệu người được lệnh sơ tán.
Những cơn bão này cũng biến Florida thành tâm điểm của làn sóng chia rẽ đảng phái, theo nhận định từ giới chuyên gia. Trong khi ứng viên Đảng Dân chủ Kalama Harris hết sức nỗ lực thể hiện sự quan tâm của bản thân và chính quyền để ghi điểm với cử tri thì ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục đưa ra các thông tin cáo buộc chính phủ đương nhiệm đã lấy đi những nguồn tài trợ quan trọng cho bang này vì những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, nhằm khoét sâu hơn sự bất bình của dân chúng đối với chính phủ nói chung và cá nhân bà Harris nói riêng.
Trên thực tế, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khai thác cơn bão Helene để cáo buộc chính quyền đương nhiệm "yếu kém" và không đủ khả năng đối phó với các vấn đề cấp bách của quốc gia. Trong bối cảnh bão Milton tiến vào Florida, ông Trump tiếp tục chỉ trích Tổng thống Biden và bà Harris, cho rằng họ "thiếu khả năng lãnh đạo và đồng cảm với người dân Mỹ".
Ông Trump đã cáo buộc Phó Tổng thống Kamala Harris và chính quyền Mỹ không thể đối phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp. Những tuyên bố như việc chính phủ bỏ qua các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo hay lạm dụng ngân sách cho người di cư đã bị các quan chức liên bang bác bỏ, nhưng vẫn tạo ra sự chia rẽ trong lòng cử tri.
Ở một diễn biến có liên quan, hôm 9/10, trước khi siêu bão Milton đổ bộ đất liền, cựu Tổng thống Trump đã gửi lời mời 275 công nhân điện đến trú bão tại một khu nghỉ dưỡng riêng tại Miami (Florida). Những công nhân này được giao nhiệm vụ sửa chữa mạng lưới điện tại bang này sau khi cơn bão đi qua.
Bài đăng này xuất hiện sau khi ứng viên đại diện đảng Cộng hòa ra mắt trang GoFundMe vào đầu tháng này, một trang web gây quỹ cho các nạn nhân của bão Helene. Trang này hiện đã quyên góp được hơn 7 triệu USD. Vì thế, các chuyên gia cho rằng động thái này của ông Trump nhằm gián tiếp khẳng định những cáo buộc của ông về chính quyền đương nhiệm là đúng.
Đối với Phó Tổng thống Kamala Harris, bão Milton là một phép thử lớn về khả năng lãnh đạo và đối mặt với khủng hoảng. Cơn bão này mang đến cho bà cơ hội để chứng minh khả năng kiểm soát tình hình và thể hiện sự đồng cảm đối với các nạn nhân.
Nhìn nhận một cách khách quan, những nỗ lực của Phó Tổng thống Harris để đối phó với bão Milton đã bắt đầu từ sớm, khi bà liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo về nguy cơ thông tin "sai lệch" từ ông Trump. Bà Harris cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng này không nên trở thành chủ đề chính trị, mặc dù chính bản thân cuộc tranh cãi về bão Milton đã bị chính trị hóa sâu sắc.
Tuy nhiên, bất kỳ sự chậm trễ hoặc thất bại nào trong công tác cứu trợ liên bang đều có thể ảnh hưởng đến Phó Tổng thống Mỹ trước thềm bầu cử. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ở vào giai đoạn quyết liệt, khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày bỏ phiếu chính thức (5/11). Phó Tổng thống Harris và đối thủ của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Trump, đang cạnh tranh sít sao.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của Real Clear Politics, cựu Tổng thống Trump đang dẫn trước Phó Tổng thống Harris với tỷ lệ 44,7% so với 43,1%. Dù đảng Dân chủ liên tục tuyên bố những cáo buộc của ông Trump là vô căn cứ nhưng kết quả khảo sát do New York Times và Đại học Siena công bố hôm 8/10 vẫn cho thấy ứng viên đại diện đảng Cộng hòa đang dẫn trước đối thủ Kamala Harris 13% tại bang Florida, một trong số các bang chiến trường.
Vì thế, khả năng ứng phó với bão Milton và nỗ lực phục hồi, trấn an công chúng sau khi cơn bão đi qua sẽ là cơ hội để bà Harris khẳng định năng lực bản thân, trong khi đây cũng rất có thể sẽ là “quân cờ” mà ông Trump sử dụng để làm nổi bật các giải pháp của mình nếu như đặt vào tình thế tương tự. Cả bà Harris và ông Trump đều cần phải thể hiện rõ ràng tầm nhìn và kế hoạch cụ thể của mình để giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/sieu-bao-milton-do-cuoc-dua-bau-cu-vao-nha-trang-i746827/