Trung tâm đào tạo lái xe mở mới phải dựa trên quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và mật độ dân cư trên địa bàn. Quy định này nhằm hạn chế những bất cập đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Cạnh tranh không lành mạnh
Từ năm 2012, Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe và bỏ quy hoạch ngành, số lượng các trung tâm đào tạo được cấp phép đang tăng lên nhanh chóng, từ 291 cơ sở đào tạo lái xe ô tô lên 381 cơ sở.
Theo quy luật thị trường, khi có nhiều cơ sở hoạt động cùng một ngành nghề thì tất yếu sẽ có cạnh tranh, vấn đề là cạnh tranh có lành mạnh hay không.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại nhiều tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu. Để thu hút học viên, nhiều trung tâm dễ dãi trong đào tạo, nhiều học viên non kém hiểu biết luật, kỹ năng điều khiển phương tiện.
Anh Nguyễn Xuân Hòa (Gia Lâm, Hà Nội) - một người có bằng lái cách đây 5 năm kể: "Tôi chỉ phải học lý thuyết hai buổi, học thực hành vài buổi, còn thời gian thì đi dã ngoại và đi ăn uống với thầy. Ðể yên tâm ngồi sau vô lăng, tôi phải thuê thầy dạy thêm. Học trong trung tâm, lấy bằng, ít người ra đường tự tin lái được lắm".
Cùng quan điểm, anh Trần Tấn Ca (quận Ðống Ða, Hà Nội), người đang học ở sân tập lái một trung tâm ở Hà Nội cho biết: "Ở đây dễ lắm, thích học buổi nào thì gọi điện trước cho thầy, kể cả buổi tối".
Thực tế qua các đợt thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các địa phương do Bộ GTVT thực hiện gần đây cho thấy, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ khâu đào tạo, sát hạch đến việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức người lái xe.
Quá trình đào tạo ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây "loạn" về phí đào tạo, cắt xén chương trình, trong khi chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhiều trung tâm đào tạo lái xe không đủ tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thiếu hụt số lượng lớn xe tập lái.
Một hiện tượng phổ biến là công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học; nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe; nhan nhản thông tin về những "đường dây" chống trượt cho học viên...
Cần sự quản lý của nhà nước
Để chấn chỉnh tình trạng trên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 65, một biện pháp được Bộ GTVT đề xuất là việc thành lập các cơ sở đào tạo lái ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đánh giá, đây là giải pháp phù hợp, nhất là khi đây là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của học viên cũng như cả cộng đồng.
Lý giải đề xuất này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố lớn xuất hiện tình trạng đầu tư, xây dựng tràn lan các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.
Trong khi đó, các nhà đầu tư chủ yếu chỉ muốn xây dựng tại các địa điểm thuận lợi, đông dân cư, dẫn đến mất cân đối, cạnh tranh không lành mạnh và gây lãng phí của cải cho xã hội.
"Trong lĩnh vực đăng kiểm Chính phủ đã yêu cầu quản lý chặt chẽ, không mở tràn lan các trung tâm đăng kiểm và đã được quy định tại Nghị định 139 sửa đổi vừa được ban hành. Tương tự như vậy, quy định khi mở mới trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và mật độ dân cư nhằm hạn chế tình trạng những bất cập hiện nay", ông Thống cho hay.
Về ý kiến cho rằng, trong thành lập mới cơ sở đào tạo lái xe nên bỏ quy hoạch, để thị trường điều tiết, ông Thống cho rằng, như vậy là không có vai trò của quản lý nhà nước: "Cung vượt cầu sẽ làm rối loạn thị trường, một địa phương một năm mới sát hạch được vài trăm người nhưng lại mở 3 - 4 trung tâm đào tạo, gây lãng phí".
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư muốn mở mới trung tâm đào tạo phải có chấp thuận về chủ trương của UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào định hướng phát triển của tỉnh, thành phố, trên cơ sở số lượng dân cư, số GPLX cấp hàng năm và nhu cầu học lái xe trên địa bàn, các tỉnh, thành phố quyết định số lượng trung tâm đào tạo, từ đó có chấp thuận chủ trương cho mở mới hay không.
"Quy định mới tại dự thảo nếu được thông qua sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quyết định về số lượng cơ sở đào tạo, giúp các địa phương có công cụ để quản lý", ông Thống nói.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đông Đô cho hay, số lượng học sinh tại trung tâm trong những năm qua đã giảm 50% so với lưu lượng được phép đào tạo, hoạt động của trung tâm rất khó khăn.
"Thời gian qua, các giải pháp về công nghệ đã được áp dụng để giám sát chặt quá trình đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tiêu cực. Do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có yếu tố cạnh tranh, nên cần dùng cơ chế thị trường để rà soát, điều chỉnh, hạn chế, loại bỏ yếu tố tiêu cực. Cần nghiên cứu theo hướng công khai, minh bạch tỷ lệ thi đạt của từng trung tâm đào tạo để người học nhận diện được chất lượng đào tạo và lựa chọn", ông Toản góp ý.