Siết chặt quản lý khoáng sản

Năm 2025, Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực với nhiều điều khoản mới sẽ giúp các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, với việc siết chặt quản lý sẽ giúp các địa phương tránh thất thu từ nguồn tài nguyên này, bảo vệ môi trường tự nhiên.

khoang-s.jpg
Việc siết chặt quản lý khoáng sản sẽ giúp các địa phương tránh thất thu từ tài nguyên và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 10 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản (đất, cát, đá). Để hoạt động khai thác đi vào nền nếp, ngoài tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp trên, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành, lực lượng quản lý thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm.

Đáng chú ý, để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, ngoài triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của thành phố, cơ quan chuyên môn và các địa phương còn thường xuyên phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Khoáng sản cho UBND cấp xã và các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương cũng phân công cán bộ địa chính, công an xã, các đoàn thể quần chúng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và phản ánh kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng san lấp mặt bằng, hoặc thăm dò để khai thác, vận chuyển tài nguyên trái phép.

Thống kê năm 2024, riêng lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã xử phạt hàng trăm vụ vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản (khai thác trái phép khoáng sản, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp).

Ngoài lực lượng chuyên ngành, các địa phương cũng chủ động trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, để tăng cường quản lý, khai thác khoáng sản, huyện Đông Anh đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức kiểm tra hiện trạng các bãi tập kết vật liệu xây dựng; lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với các các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng; xây dựng kế hoạch cưỡng chế buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu như trước khi vi phạm; lập các barie, chốt kiểm soát tại đường ra vào các bãi tập kết; tổ chức tuyên truyền pháp luật về khoáng sản; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đê...

UBND huyện Đông Anh cũng phê bình, nhắc nhở đối với các xã không nghiêm túc thực hiện; kiểm soát, xử lý nhiều điểm vi phạm, tập kết bến bãi trái phép, từng bước thu hồi các khu đất công để quản lý theo đề án đã được đề ra. Chỉ tính riêng năm 2024, các đoàn liên ngành và các lực lượng chức năng của huyện đã kiểm tra, trình cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với 10 đối tượng, số tiền là 512 triệu đồng, tịch thu 1.699m3 cát, 1 vỏ tàu thép, phương tiện thủy với các hành vi chính như: Kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, vi phạm đê điều, phòng chống thiên tai…

Cùng với các địa phương, Hà Nội cũng siết chặt công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Đặc biệt, khi triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội sẽ cần lượng lớn đất, đá, sỏi, cát… Để tránh tình trạng lợi dụng cung ứng nguyên liệu, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát về hoạt động khai thác của các đơn vị được phép khai thác khoáng sản, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát về phạm vi, diện tích khu vực mỏ, công suất, trữ lượng, phương pháp khai thác; kiểm tra, giám sát việc thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ được áp dụng cơ chế đặc thù để cung cấp Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo quy định.

Với những biện pháp cụ thể, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản được cấp phép đều tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định, sản xuất, kinh doanh khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng quy định trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý. Đặc biệt, Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ kiểm soát tốt hoạt động khai thác khoáng sản. Một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản lần này là trao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản nhằm thúc đẩy ngành khai thác khoáng sản phát triển bền vững.

https://hanoimoi.vn/siet-chat-quan-ly-khoang-san-697384.html

Đỗ Phong / HNM.com.vn