Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết theo dự báo, 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu khi kỹ năng lao động không được nâng lên.
Trả lời câu hỏi về thông tin tình hình lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói Tổng cục Thống kê (GSO) đã có các báo cáo quý, ngành lao động cũng có cập nhập, nhưng thông tin vẫn "đi chậm so với thị trường". Thời gian tới, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ đề xuất phối hợp với GSO công bố các ấn phẩm về việc làm, bản đồ việc làm, dự kiến từ năm 2022. Việc công bố sách trắng lao động, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ở thời điểm cho phép và có tác động đến thị trường sẽ làm.
Trả lời đại biểu Vũ Tiến Lộc về giải pháp tạo đột phá để đào tạo nghề ngang bằng với các nước ASEAN, ông Dung cho biết, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, 55 triệu người, nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán. Thứ nhất là chăm lo, nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung, nhất là trong điều kiện 65% lực lượng lao động đã qua đào tạo nhưng chỉ 24,5% có chứng chỉ bằng cấp, so với mặt bằng chung của các nước ASEAN thì tương đối thấp.
Thứ hai, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thay đổi bản chất của công việc. Dự báo của Tổ chức lao động quốc tế, trong 5 năm tới có 1/3 công việc sẽ thay đổi ở Việt Nam. 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới nếu kỹ năng lao động không được nâng lên.
Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu hết 2025 có khoảng 30-35% lực lượng lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến 2030 phấn đấu 40-45%. Đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Vì vậy, Bộ dự tính đào tạo lao động thích ứng công nghệ mới, thông qua doanh nghiệp là chính, thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nói chung.
Chính phủ có chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp các nước ASEAN và G20, trọng tâm là đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ đã cho phép hình thành khoảng 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng cũng đồng ý thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành, có chức năng dẫn dắt và đào tạo nghề trong tương lại, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam đang thiếu chất lượng cao; thành lập 3 trung tâm vùng ở miền Bắc, Trung, Nam. Đào tạo nghề tiếp tục theo hướng mở, liên thông, linh hoạt, bao trùm, gắn học tập với nâng cao tay nghề suốt đời.
PV (th)