- "Sốt ruột" với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
- Vì sao cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây vẫn ùn tắc dù thu phí không dừng?
Đề xuất cấm xe tải trọng lớn và xe đầu kéo lưu thông vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) vào các khung giờ cao điểm các ngày cuối tuần và các ngày lễ, Tết để hạn chế ùn tắc.
Tại buổi làm việc giữa Khu Quản lý đường bộ IV (Khu QLĐB IV) với Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý tuyến) và các đơn vị liên quan về việc thống nhất phương án phối hợp phân luồng giao thông từ xa khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành).
Một trong những giải pháp được nêu ra nhận được sự đồng thuận của các đại biểu đó là phân luồng giao thông từ xa.
Các đại biểu đề xuất cấm xe tải trọng lớn và xe đầu kéo lưu thông vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) vào các khung giờ cao điểm các ngày cuối tuần và các ngày lễ, Tết để hạn chế ùn tắc.
Ông Trần Thanh Nam, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV (Khu QLĐB IV) cho biết: Qua kiểm tra, rà soát thực tế việc tổ chức phân luồng giao thông trên tuyến cao tốc Long Thành- Dầu Giây, nhận thấy: Nút giao An Phú đang thi công, nút giao QL51 lượng phương tiện quá tải. Đặc biệt, cầu Long Thành khổ cầu hẹp, dốc cao nên thường xuyên xảy ra ùn tắc khi có xe container, xe tải nặng lưu thông.
Cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng đông |
Theo đại diện VEC E, khi xảy ra sự cố gây ùn tắc trên tuyến cao tốc, lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức phân luồng từ xa tại các vị trí nút giao đường dẫn lên cao tốc.
Từ đó, các phương tiện chủ động chọn hướng di chuyển phù hợp và bổ sung biển báo hướng dẫn hướng đi khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc trên tất cả nút giao ra, vào đường cao tốc.
Tuy nhiên, hiện tại việc phân luồng từ xa khi chưa thống nhất tình huống, sự cố cụ thể gây khó khăn cho lực lượng chức năng địa phương (TP.HCM và tỉnh Đồng Nai) dẫn đến ùn tắc tại các tuyến quốc lộ, đường địa phương.
Thực tế cho thấy các tuyến đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của (nút giao An Phú), nút giao đường Vành đai 2, QL51, QL1 (nút giao Dầu Giây) hiện nay cũng đã quá tải, lưu lượng thực tế đã vượt quá nhiều lần so với thiết kế.
Tại cuộc họp, các bên đã thống nhất phương án phối hợp, tổ chức phân luồng giao thông khi xảy ra ùn tắc trên tuyến cao tốc Long Thành- Dầu Giây và nút giao QL51 với cao tốc như sau:
Khi có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, VEC E có trách nhiệm thông báo trên bảng VMS lắp trên tuyến và các phương tiện truyền thông. Hướng dẫn và khuyến cáo các phương tiện không đi vào đường cao tốc, lựa chọn cung đường khác phù hợp. Phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6 – Cục Cảnh sát giao thông) hướng dẫn phân luồng phương tiện từ xa, trên cơ sở phương án tổ chức giao thông được duyệt.
Đại diện các đơn vị cũng thống nhất đề xuất cấm xe tải lưu thông trên cao tốc vào các ngày lễ, Tết và ngày thứ Sáu, thứ Bảy TP.HCM đi Long Thành. Vào ngày Chủ nhật cấm hướng từ Long Thành đi TP.HCM (cấm theo giờ).
Thống kê của VEC E cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 41 vụ va chạm, tai nạn, 109 vụ xe hư hỏng khu vực cầu Long Thành. Công tác cứu hộ, di dời phương tiện giải tỏa hiện trường gặp nhiều khó khăn do lưu lượng xe lưu thông mật độ cao.
Thời gian xảy ra ùn ứ giao thông thường từ 6h - 11h sáng đoạn Km4 - Km12 hướng từ TP.HCM đi Long Thành. Đoạn Km12 - Km23 hướng từ Long Thành đi TP.HCM thường ùn ứ vào chiều và tối trong khung giờ 14h - 21h.