Vừa đạt đỉnh hồi tháng 3.2018 với mức giá kỷ lục, lên đến 50.000 đồng/kg (loại 1), hiện sức mua mít Thái đang chững lại, giá cũng giảm đáng kể khiến nhiều nông dân ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) vô cùng bất an. Dường như dự cảm về nguy cơ vỡ trận diện tích mít Thái ở nhiều tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ đang đến rất gần.
Từ Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 3.2018, giá mít Thái liên tục lập những kỷ lục mới, có những thời điểm thương lái Trung Quốc đưa giá thu mua mít Thái lên đến 50.000 đồng/kg loại 1 (trọng lượng từ 8kg/quả trở lên), 38.000 đồng/kg loại 2 (6kg – 8kg) và 28.000 đồng/kg loại 3 (dưới 6kg). Theo các nhà vườn, giá mít từ 12.000 - 15.000 đồng/kg đã có lãi.
Phong trào trồng mít Thái diễn ra ồ ạt ở nhiều nơi. Ảnh: IT.
Tuy nhiên, theo các nhà vườn, vì giá cao nên phía thu mua kiểm soát trái rất kỹ, chỉ mua trái to và đẹp còn số còn lại họ chỉ mua với giá 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg nên số lượng được mua giá cao cũng hạn chế.
Điều đáng nói là, giá mít cao đã khiến nhiều nông dân rục rịch chuyển đổi vườn sang trồng mít. Đơn cử như ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), khoảng 3 năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn đã phá bỏ vườn cam sành, bưởi bị bệnh và vườn tạp để chuyển sang trồng mít Thái nên diện tích tăng mạnh. Qua thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn huyện Châu Thành có gần 1.000ha mít Thái, tăng gần gấp 3 lần so với cách nay khoảng 3 năm.
Diện tích mít tăng mạnh cũng đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chức năng địa phương. Bởi, tuy đầu ra và giá mít trong lúc này vẫn ổn định theo hướng có lợi cho nhà vườn, nhưng đa phần mít chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên rất bấp bênh. Trường hợp khi thương lái nước này ngưng thu mua mít trong một thời gian dài như nhiều nông sản khác đã từng xảy ra thì nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, vì chạy theo lợi nhuận mà những cây mít giống vẫn được bà con tiếp tục trồng tại nhiều nơi.
Còn ở Tiền Giang, mít Thái trồng tập trung ở các xã: Đông Hòa Hiệp, An Cư, Hòa Khánh, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè); Tân Phong, Thanh Hòa, Cẩm Sơn, Long Khánh (huyện Cai Lậy), Bình Trưng, Kim Sơn (huyện Châu Thành)… Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng như hiện nay; chắc chắn cung vượt cầu, dẫn đến giá rẻ và hàng loạt hệ lụy khác, nên nhà vườn có dự định trồng mít trong thời gian tới cần cân nhắc kỹ.
Nếu tính cả khu vực ĐBSCL, diện tích trồng mít Thái ước tính đã lên đến hơn 55.000 ha (sản lượng hơn 2 triệu tấn trái) và vẫn đang tiếp tục phát triển rất nóng.
Hiện, sức mua mít Thái đang có dấu hiệu chững lại, giá cũng hạ nhiệt so với tháng trước.
Và thực tế, hệ lụy của việc trồng ồ ạt đang diễn ra khi một nông dân ở Bầu Trâm, thị xã Long Khánh (Đồng Nai) vừa thông tin cho phóng viên Dân Việt biết, một tuần trở lại đây, sức mua mít của các thương lái đang chững lại, giá mít Thái cũng không còn trên đỉnh như cách đây một tháng mà giữ ở mức 14.000 – 16.000 đồng/kg (tùy loại). Hiện, nhà nông dân này đang có 6ha mít Thái.
Ngay sau đó, nhiều người cũng chia sẻ tình trạng tương tự khi sức thu mua của thương lái đang có dấu hiệu giảm.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong khi chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu có thể khiến mít Thái xuống dốc nếu nguồn cung quá nhiều. Thực tế, trong năm 2017, cũng đã chứng kiến một đợt giảm giá mạnh của mít Thái khi có thời điểm giá chỉ còn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng mít Thái siêu sớm lỗ nặng.
Rõ ràng, nếu không tỉnh táo trước những cơn sóng của thị trường, nông dân sẽ là người chịu hệ lụy đầu tiên.
Trường học phải sơ tán, hàng chục lính cứu hỏa đeo máy thở vì... mùi quả sầu riêng
Lầm tưởng mùi sầu riêng là khí gas rò rỉ, hàng chục lính cứu hỏa đeo máy thở tiến hành điều tra nguồn gốc mùi ... |
Giá mít tăng kỷ lục ở miền Tây
Lần đầu tiên nông dân miền Tây bán mít Thái được giá 50.000 đồng/kg và có những trái to nhà vườn thu về đến gần ... |
Hạt mít bán 200.000 đồng/kg: Món hời không dễ nuốt
Một số sản phẩm nông sản Việt tuy bán giá đắt tại siêu thị Nhật nhưng lại cực hiếm, số lượng ít và không được ... |