Sạt lở đe dọa làng xóm ven sông Hà Thanh

Bờ sông Hà Thanh, đoạn chảy qua địa bàn xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm mét đất, con đường, mồ mả và cây trồng bị đổ ụp xuống sông và cuốn trôi theo dòng nước. Người dân sống ở những ngôi làng bên bờ sông này cứ nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa lũ tràn về...

Chúng tôi đi thực tế, tận mắt chứng kiến bờ sông Hà Thanh thuộc các thôn Tăng Lợi, An Long 1, Bình Long 1 (xã Canh Vinh) bị sạt lở nghiêm trọng, “hà bá” đã nuốt chửng hàng mét đất, khiến sạt lở đã ăn sâu vào sát khu vực nhà dân.

sat lo 2.jpg -0
Bờ sông Hà Thanh qua địa bàn thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Trương Bình Kiên, thôn Tăng Lợi, cho biết, trước kia, bờ sông Hà Thanh nằm cách xa nhà ông cả trăm mét. Đất khu vực bờ sông được gia đình ông trồng cây keo lai để nuôi sống gia đình. Thế nhưng, những năm trở lại đây, bờ sông bị xâm thực mạnh, nước sông đã cuốn trôi hàng trăm mét đất bờ sông. Hơn 3 thửa đất trồng keo của gia đình ông cũng bị dòng nước cuốn trôi, thiệt hại kinh tế gần 200 triệu đồng.

“Cứ mỗi năm lại sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất từ 5-10m, cây cối vì thế cũng trôi theo luôn. Có hôm ngủ đêm đến sáng dậy đã thấy nửa đám ruộng trồng cây keo đã đổ sụp xuống sông. Bây giờ sông xâm thực vào càng ngày càng gần nhà, cứ tình hình này vài năm nữa nhà tôi cũng không còn. Tôi và bà con nơi đây khẩn thiết cầu xin các cấp chính quyền có biện pháp làm kè bờ sông để chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân chúng tôi ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Kiên chia sẻ.

Con đường bê tông liên thôn ở khu vực xóm 3, thôn Tăng Lợi, trước đây nối dài ra bến sông Hà Thanh để người dân sử dụng đi ra đường lộ. Thế nhưng, theo thời gian, nước sông đã xâm thực mạnh đánh gãy cây cầu, gần 50m đường bê tông liên thôn bị gãy đổ, nằm sâu dưới đáy sông. Bên bờ sông, hàng trăm diện tích đất trồng keo, cỏ voi, ngô, sắn của người dân bị nước cuốn, đe dọa. Nơi đây trở thành vực sâu thăm thẳm, nếu người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Ông Phạm Xuân Trinh, Trưởng thôn Tăng Lợi cho hay, bờ sông Hà Thanh qua địa bàn thôn có khoảng 5km bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi năm sạt lở ăn sâu vào 5-10m, đến nay đã ăn sâu vào hơn 50m. Sạt lở đã ăn sâu vào đất nông nghiệp, mồ mả và nhà dân. Đã có 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp mồ mả để tránh sạt lở. Nhiều chuồng nuôi bò của người dân đang bị đe dọa...

Tương tự, tại khu vực thôn An Long 1, sạt lở bờ sông cũng đã ăn sâu vào gần sát khu dân cư, chỉ còn khoảng 10-15m nữa là đến một số nhà dân. Hàng chục nhà dân phải di dời khẩn cấp mùa mưa lũ, số còn lại luôn phải sống trong bất an lo sợ. Theo người dân địa phương, khu vực lòng sông Hà Thanh đoạn này có quá nhiều doanh nghiệp khai thác cát, đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới dòng chảy, khiến tình trạng sạt lở diễn ra nặng nề hơn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc, ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh cho biết, trên đoạn sông Hà Thanh đi qua địa bàn xã hiện nay có 5 doanh nghiệp khai thác cát được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác. Khi đến mùa mưa lũ, các doanh nghiệp phải hoàn nguyên hiện trạng lòng sông, để nước lũ được bồi lấp cát trở lại. Do địa hình ở đây lòng sông thấp, đất sản xuất của bà con cao nên qua các đợt mưa lũ xảy ra tình trạng sạt lở.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có phương án xây kè chống sạt lở bờ sông này, hiện đã làm được 4km. Tuy nhiên, trên địa bàn xã còn có khá nhiều đoạn sông bị sạt lở, có đoạn khoảng 900m sạt lở rất nặng, chỉ còn 10-15m là vào đến nhà dân. “Với khối lượng lớn như thế thì phương án xây bờ kè là tối ưu nhất nhưng kinh phí quá lớn. Chúng tôi đang đề xuất với huyện, tỉnh nếu có kinh phí cho xin xây dựng bờ kè và sẵn sàng phương án di dời dân ở khu vực này khi bão lũ đến”, ông Bài nói.

Theo ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, đặc thù của huyện Vân Canh địa hình tương đối dốc, đặc biệt dọc hai bên sông Hà Thanh, khi mùa mưa đến thì sạt lở. Hiện nay còn rất nhiều đoạn trên địa bàn huyện sạt lở, có những đoạn sạt lở rất gần nhà dân cách nhà dân 5-10m rất nguy hiểm. Trong ngày 13-15/10 vừa qua, trên địa bàn có mưa to, kéo dài khiến lượng nước đổ về rất lớn gây sạt lở ở một số điểm mới.

UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát lại tình hình sạt lở và thiệt hại, kiến nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục những công trình vượt quá khả năng của huyện. “Đối với các đoạn sạt lở thì nhiều lần UBND huyện đã kiến nghị với tỉnh, các Đoàn đại biểu Quốc hội để hỗ trợ địa phương xây dựng kè để ngăn sạt lở tuy nhiên khả năng điều kiện về kinh phí còn nhiều khó khăn”, ông Tiên chia sẻ.

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/sat-lo-de-doa-lang-xom-ven-song-ha-thanh-i672378/

Diễm Phúc / cand.com.vn