Sáng kiến “Tối ưu nguồn khí bypass V-101A khi tiếp nhận nguồn khí Nam Côn Sơn 2 để gia tăng hiệu quả sản xuất của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố” của nhóm tác giả Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT), đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là một trong những sáng kiến tiêu biểu, đứng đầu về hiệu quả kinh tế mang lại trong chương trình “1 triệu sáng kiến”. Sáng kiến đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Một trong những thành viên của nhóm tác giả sáng kiến, kỹ sư Ngô Văn Quốc có quá trình phấn đấu và thành tích lao động sáng tạo đáng nêu gương.
Làm lợi hàng trăm tỷ đồng và tiếp tục đóng góp
Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) có nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận, xử lý tối đa các nguồn khí từ bể Cửu Long, Nam Côn Sơn thành các sản phẩm như khí khô, LPG, Condensate góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Năm 2020, PV GAS triển khai dự án cải hoán GPP Dinh Cố để tiếp nhận nguồn khí Nam Côn Sơn 2 (NCS2) điều chỉnh - giai đoạn 2 thì công suất tiếp nhận khí về bờ của Nhà máy tăng từ 5,3 triệu Sm3/ngày lên 10,6 – 11 triệu Sm3/ngày. Ý tưởng sáng kiến trên được hình thành để giải quyết những trăn trở của anh Lê Tất Thắng và kỹ sư Nguyễn Đắc Luân – một trong những đồng tác giả của sáng kiến – về việc làm sao có thể đảm bảo được mục tiêu tiếp nhận tối đa khí ẩm về bờ trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa luân phiên thiết bị tách lỏng đầu vào Nhà máy (Slugcatcher). Khi thiết bị này cần bảo dưỡng sửa chữa, nhà máy giảm 50% công suất tiếp nhận khí về bờ, ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp khí từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Ngoài ra, công suất vận hành của cụm thiết bị công nghệ chế biến sâu tại nhà máy chỉ tối đa 5,88 triệu Sm3/ngày nên lượng khí về bờ vượt so với công suất này không được thu hồi LPG và Condensate (hai sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn so với khí khô). Các vấn đề này đã được đưa ra để thảo luận và cần thiết phải có giải pháp phù hợp để đảm bảo nhà máy thực hiện được mục tiêu tối đa tiếp nhận và xử lý khí ẩm về bờ cũng như gia tăng sản lượng LPG và Condensate sản xuất. Sau quá trình xem xét đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp để chuyển nguồn khí bypass nhà máy từ ban đầu là khí trộn giữa Cửu Long và NCS2 sang chủ yếu là khí NCS2, ưu tiên đưa toàn bộ khí Cửu Long, có thành phần giàu LPG hơn so với khí NCS2, đi vào hệ thống thiết bị chế biến sâu của nhà máy để gia tăng sản lượng sản xuất LPG, Condensate.
Sau quá trình tự tìm tòi nghiên cứu, cùng với sự nhiệt tình hỗ trợ của các đồng nghiệp thuộc Ban Quản lý Dự án khí Đông Nam Bộ (Ban ĐNB), Công ty Quản lý Dự án khí (DAK), Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (KĐN), Công ty TNHH Technip Việt Nam, nhóm tác giả đã đưa ra biện pháp kiểm soát phù hợp được Ban lãnh đạo Công ty cũng như các bên liên quan chấp thuận để kiểm soát mối nguy từ hiện tượng Slug trong đường ống Nam Côn Sơn 2. Giải pháp sau đó đã được nhóm triển khai thiết kế chi tiết, thi công lắp đặt tại hiện trường và chính thức được áp dụng vận hành an toàn từ ngày 12/4/2021 đến nay (ngay cả trong điều kiện bảo dưỡng sửa chữa luân phiên thiết bị Slugcatcher), đã khẳng định tính khả thi của giải pháp, khả năng làm chủ quá trình kiểm soát lỏng trong đường ống 2 pha NCS2 phức tạp.
Tính đến nay, sáng kiến đã giúp gia tăng khoảng hơn 21.300 tấn LPG, hơn 2.810 tấn Condensate và gia tăng khoảng 67,4 triệu Sm3 khí khô cung cấp cho khách hàng trong thời gian bảo dưỡng Slugcatcher. Tổng giá trị làm lợi tính đến khi kết thúc Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" của Tổng LĐLĐVN (đầu tháng 9/2023) là khoảng 292 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm phần giá trị làm lợi từ việc gia tăng doanh thu khí khoảng 523 tỷ đồng ước tính trên lượng khí khô gia tăng cung cấp cho khách hàng 67,4 triệu Sm3). Với giá trị làm lợi trên, sáng kiến giúp gia tăng hiệu quả của dự án cải hoán GPP Dinh Cố để tiếp nhận khí NCS2 điều chỉnh – giai đoạn 2. Ngoài ra, sáng kiến còn giúp gia tăng độ tin cậy và độ sẵn sàng của dây chuyền cấp khí Cửu Long và NCS2, đảm bảo mục tiêu quan trọng của nhà máy là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng được ghi nhận là sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất trong hơn trong hơn 2,4 triệu sáng kiến tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến” và được đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nói về thành công của sáng kiến trên, anh Quốc cho rằng đó là sự góp sức của một tập thể lớn vì lợi ích chung của KVT/ PV GAS. Khi triển khai thực hiện giải pháp, nhóm tác giả đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Ban lãnh đạo, các đồng nghiệp, cũng như sự phối hợp của các cán bộ, kỹ sư Ban ĐNB, DAK, KĐN, Trung tâm Điều độ Khí trong quá trình đánh giá tính khả thi, thiết kế, cũng như giai đoạn vận hành của đường ống NCS2 để trên cơ sở giải pháp đã được đưa vào vận hành thực tế một cách an toàn, liên tục và hiệu quả.
Bên cạnh sáng kiến, giải pháp trên, kỹ sư Ngô Văn Quốc còn tham gia nhiều công trình sáng kiến, cải tiến khác, giúp nâng cao hiệu quả, an toàn cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn trong công việc. Chia sẻ về kinh nghiệm để có được các sáng kiến, anh Quốc cho rằng, trước tiên người lao động phải có sự say mê công việc và luôn chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, nâng cao hiệu quả cho công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng không thể thiếu chính sách phù hợp để khuyến khích người lao động phát huy hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lí hoá sản xuất và KVT/PV GAS là một môi trường hội tụ đủ những điều kiện đó.
Anh Quốc trải lòng, từ khi bước vào KVT, anh đã nhận thấy phong trào sáng kiến, sáng tạo phát triển rất sôi động. Với sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo và Công đoàn KVT, ở đây có rất nhiều sáng kiến được áp dụng, nhiều “cây sáng kiến” được biểu dương, nhân rộng. Ban lãnh đạo KVT luôn tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ phát huy những ý kiến, ý tưởng của mình, với quan điểm “không có ý kiến nào là sai”. Do đó, khi có ý tưởng NLĐ mạnh dạn trình bày trên Hệ thống quản lý hoạt động sáng kiến cải tiến trên trang web nội bộ của PV GAS một cách dễ dàng, thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Sau đó, các ý tưởng này sẽ được thẩm định và xem xét bởi đội ngũ chuyên môn là các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm, có chuyên môn sâu được phân công phụ trách công tác sáng kiến trong từng lĩnh vực. Qua những tư vấn, hỗ trợ của bộ phận chuyên môn sâu những ý kiến ban đầu của NLĐ có thể còn sơ khai, chưa hợp lý lắm sẽ được trao đổi, giải đáp và hoàn thiện ý tưởng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những ý tưởng, sáng tạo tiềm năng, khả thi nhanh chóng được triển khai, đưa vào áp dụng thực tế mang lại hiệu quả, đóng góp cho công ty, cho ngành Dầu khí. Môi trường lao động sáng tạo đó đã giúp cho NLĐ được tiếp sức, thổi bùng đam mê sáng tạo làm nên một phong trào mạnh tại KVT nói riêng và toàn PV GAS nói chung.
Luôn cầu thị và không ngừng học hỏi
Đến nay đã 13 năm kể từ khi chàng kỹ sư ngành Công nghệ lọc – hoá dầu, Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG Tp.HCM trở thành thành viên của KVT. Anh Quốc đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ Kỹ sư công nghệ đến Trưởng ca vận hành tại GPP Dinh Cố, và từ tháng 8/2018 đến nay anh đảm nhận vị trí Đốc công công nghệ phụ trách Tổ công nghệ - sản phẩm lỏng thuộc Phòng Kỹ thuật sản xuất KVT. Đó là một quá trình không ngừng học hỏi, trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm để từng bước trưởng thành và ngày càng vững vàng hơn của mình trong một tập thể đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và luôn chú trọng công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo qua công việc thực tế với sự kèm cặp, truyền dạy, chia sẻ kinh nghiệm của các thế hệ đàn anh.
Anh Quốc chia sẻ, một trong những cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi đáng quý là khi anh được Ban Giám đốc KVT điều động tham gia học hỏi, hỗ trợ quá trình chạy thử và vận hành Nhà máy Xử lý khí Cà Mau năm 2017. Từ chuyến công tác, anh đã được tiếp xúc với một dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực xử lý khí – một phiên bản cao cấp hơn so với công nghệ của Nhà máy GPP Dinh Cố. Qua đó, anh Quốc đã được tích lũy thêm các kiến thức liên quan đến lĩnh vực thiết kế và an toàn công nghệ, quá trình thi công, lắp đặt và chạy thử dự án. Đây là những kinh nghiệm quý báu hỗ trợ rất nhiều cho anh trong công việc hiện nay cũng như sau này.
Bên cạnh đó, kỹ sư Ngô Văn Quốc luôn có trách nhiệm với công việc được giao, với đồng nghiệp và với tập thể. Anh luôn phấn đấu, nỗ lực làm tốt nhất phần việc được giao để trước tiên là không ảnh hưởng đến đồng nghiệp, đến tập thể và hơn nữa là đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho công ty. “Kết quả phần việc của mình không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà sẽ ảnh hưởng đến những đồng nghiệp và công việc chung công ty, do đó, trong quá trình làm việc tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình và luôn xem xét, cân nhắc để làm sao không gây ảnh hưởng, gia tăng phần tác nghiệp cũng như gia tăng rủi ro cho vận hành của các anh em hoặc gây mất an toàn”, Quốc chia sẻ.
Ngoài ra, Quốc nhận thấy việc giao đúng việc, đúng người, đúng thời điểm sẽ giúp anh cũng như NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt kết quả cao trong công việc. Đó cũng là điều anh vận dụng, phân công công việc trong tổ.
Với ý thức trách nhiệm và hiệu quả cao trong công việc, anh Quốc nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao của lãnh đạo, đồng nghiệp, anh được tuyên dương, khen thưởng nhiều danh hiệu như: Lao động tiên tiến, Chiến sỹ thi đua cơ sở, Giấy khen Tổng công ty, Bằng khen Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các khen thưởng trong phong trào lao động sáng tạo,…
Không bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, trên hành trình lao động sáng tạo, kỹ sư Ngô Văn Quốc luôn ý thức không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để phát triển bản thân, thích ứng với hành trình phát triển không ngừng của xã hội, của khoa học công nghệ để vững vàng tiến bước, cống hiến giá trị cho KVT/ PV GAS, cho ngành Dầu khí nước nhà và cho đất nước Việt Nam.
Sáng kiến dẫn đầu hiệu quả của PV GAS làm lợi lên đến 292 tỷ đồng