Thị trường viễn thông đã bão hòa và được định hình bởi 3 ông lớn, do đó, Samsung có thể sẽ liên kết với ai đó, từ đó phát triển sang CNTT.
Mới đây, lãnh đạo Samsung cho biết, ngoài lĩnh vực điện tử, tập đoàn rất quan tâm mở rộng đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.
Bình luận về ý định này của Samsung, PGS.TS Vũ Trí Dũng, khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đây chính là chiến lược phát triển liên kết dọc ngược chiều của Samsung: Khi thị trường dẫn đầu phát triển tốt, ổn định thì doanh nghiệp liên kết dọc ngược chiều, không chỉ cung cấp thiết bị đầu cuối mà muốn là nhà cung cấp dịch vụ mạng luôn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, rất nhiều khả năng Samsung không tự làm mà sẽ tham gia lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam theo hình thức liên kết với ai đó, có thể là một trong ba ông lớn về viễn thông của Việt Nam, hoặc Beeline - thương hiệu đã rút khỏi Việt Nam cách đây mấy năm, hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác.
"Không ai tự dưng xây một nhà mạng làm gì vì đầu tư mạng lưới rất tốn kém nên chắc chắn Samsung sẽ không làm mà họ sẽ cung cấp thiết bị đầu cuối. Thị trường viễn thông hiện nay đã bão hòa nhưng công nghệ thông tin (CNTT) lại đang rất phát triển. Chính vì thế, Samsung sẽ nhảy vào lĩnh vực viễn thông theo kiểu liên kết với các công ty, từ đó phát triển sang CNTT", PGS.TS Vũ Trí Dũng chỉ rõ.
Samsung muốn đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam |
Vị chuyên gia dẫn bài học Beeline, thương hiệu mạng di động của Tập đoàn VimpelCom (Nga) làm ví dụ. Trên thực tế, ông lớn viễn thông Beeline đã từng đặt rất nhiều tham vọng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam nhưng không đủ tiền và không thể cạnh tranh nổi nên phải rút khỏi Việt Nam.
Trước khi rút khỏi Việt Nam, Beeline có khoảng 187.000 thuê bao, chiếm 0,17% thị trường. Chỉ số doanh thu bình quân của 1 thuê bao/tháng (ARPU) của Beeline đạt 0,7-0,9 USD/thuê bao. Do đó, doanh thu của hãng chưa đến 2 triệu USD/năm.
Trong khi đó chi phí duy trì trạm phát sóng trung bình là 10.000 USD/trạm/năm. Beeline có 4.000 trạm phát sóng nên chi phí duy trì lên đến 40 triệu USD/năm.
Beeline còn phải trả cước kết nối cho nhà mạng khác nếu như thuê bao kết nối ngoại mạng. Bên cạnh đó còn có các chi phí marketing, quảng bá, vận hành, khấu hao đầu tư... Như vậy có thể thấy, Beeline đã bị lỗ nặng.
Từ bài học của Beeline, lại là người đến sau và đến vào thời điểm thị trường viễn thông đã bão hòa, được định hình bởi 3 ông lớn là Vinaphone, Viettel và MobiFone, Samsung sẽ phải tính một cách khác, PGS.TS Vũ Trí Dũng khẳng định.
"Như đã nói, Samsung không vào viễn thông một mình vì không hiệu quả, đầu tư hạ tầng quá lớn, cáp xa bờ, 4G...
Thế mạnh của Samsung trước hết và chủ yếu vẫn là thương hiệu. Họ có tài chính, thiết bị đầu cuối và có thể lấy thêm thành công của thiết bị nhập sang lĩnh vực viễn thông, sau đó nhảy sang lĩnh vực CNTT. Hơn nữa, họ đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, hiểu biết nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam nên có thể phát triển tốt", vị chuyên gia nhận định.
PGS.TS Vũ Trí Dũng trấn an rằng, các nhà mạng trong nước không cần phải lo lắng gì trước khả năng có thể phải cạnh tranh với Samsung nếu tập đoàn này đầu tư vào viễn thông ở Việt Nam. Lý do là vì ba nhà mạng đã chiếm thị phần lớn.
"Viễn thông đã bão hòa nên các nhà mạng không cần lo. Samsung sẽ luân chuyển sang CNTT, còn viễn thông dĩ nhiên là có cạnh tranh thêm về thị phần nhưng rất khó vào. Lĩnh vực này đầu tư hạ tầng rất lớn nên lợi thế quy mô rất quan trọng, ba nhà mạng thị phần đã cao. Beeline trước đây đầu tư vào Việt Nam nhưng không đủ tiền sau phải rút ra. Chính vì thế, không ai vào viễn thông dịp này, chắc chắn họ phải liên kết để phát triển sang hướng khác nữa", ông nhận định.
Trước băn khoăn về phía quản lý nhà nước có nên mở toang cánh cửa để Samsung tham gia vào thị trường viễn thông Việt Nam hay không, PGS.TS Vũ Trí Dũng khẳng định, theo quy luật khi hội nhập, hễ đủ điều kiện thì doanh nghiệp vào. Việt Nam đã xuất khẩu viễn thông sang nhiều nước trong khu vực, do đó Samsung hay một doanh nghiệp nào khác đều có thể vào đầu tư tại Việt Nam, chỉ có điều doanh nghiệp có quyết định vào Việt Nam hay không. Nếu thấy hiệu quả chắc chắn họ sẽ vào.
Apple lo Samsung sẽ đánh cắp thiết kế iPhone mới
Apple đang phát triển mẫu iPhone mới cho năm 2020 nhưng lo ngại đối thủ Samsung sẽ đánh cắp mẫu thiết kế mang tính cách ... |
Điện thoại \'Made in Vietnam\' giúp cả nước có thặng dư
Sau 9 tháng, Việt Nam từ nhập siêu đã tiến lên xuất siêu được 330 triệu USD. Kết quả này có được nhờ xuất khẩu ... |
Samsung có thể \'lấn sân\' đầu tư viễn thông tại Việt Nam
Ngoài sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động..., Samsung cho biết có thể sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực viễn ... |
(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/samsung-tinh-toan-gi-khi-muon-lam-vien-thong-o-viet-nam-3345050/)