Niềm vui của Thượng tọa Thích Huệ Đăng ở tuổi 80 là mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đó là công trình nghiên cứu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh bao năm qua của thượng tọa nay đã có bước tiến mới quan trọng.
Sau bao năm mày mò nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, cách đây vài tháng, thầy đã gặp được “tri kỷ” của mình là GS Nguyễn Đức Nghĩa - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cả hai đã cùng nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ nano trong sản xuất viên thuốc sâm Ngọc Linh. Sản phẩm này đã nhận được những kết quả đánh giá tích cực từ Đại học Tổng hợp Sydney, Australia.
Thượng tọa cùng GS Nghĩa (trái) và Viện trưởng Tạ Quang Minh trong vườn sâm Ngọc Linh
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc sản xuất, bào chế sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của Thượng tọa Thích Huệ Đăng bao năm qua, cũng như góp phần nâng chất lượng và số lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh lên một tầm cao mới. Hiểu một cách đơn giản, nano sâm Ngọc Linh có chất lượng và sinh khả dụng - tức khả năng tác dụng lên cơ thể người khi sử dụng tăng lên gấp hàng chục lần so với sản phẩm sâm Ngọc Linh thông thường có cùng khối lượng.
Bây giờ, nhìn lại hành trình 5 năm qua của Thượng tọa Huệ Đăng kể từ khi thầy chính thức nhận Bằng sáng chế độc quyền cho quy trình nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh và tạo ra sinh khối sâm Ngọc Linh năm 2012 thì mới thấy hết được tâm sức và sự kiên trì của thầy vì mục đích cộng đồng là như thế nào. Sau khi nhận bằng sáng chế độc quyền, năm 2013, thầy thành lập Công ty CP Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam; đến cuối năm 2015, thầy đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc viên nén cao sâm Ngọc Linh, với chất lượng gần tương đương với sâm Ngọc Linh tự nhiên trồng trên núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum có độ tuổi trên 10 năm.
Tất cả các sản phẩm này cho đến nay đều nhằm phục vụ cộng đồng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gan, phổi, tiểu đường và đặc biệt là ung thư; Thầy chưa bán ra ngoài thị trường để thu về cho riêng công ty một đồng nào.
Và mới vừa rồi, nói theo cách của nhà Phật là nhờ duyên nên thầy và GS Nghĩa gặp nhau và cùng sản xuất thành công sản phẩm nano sâm Ngọc Linh ngay sau đó. Chưa dừng lại ở đó, thầy và các học trò của mình tiếp tục hiện đại hóa quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh bằng cách hợp tác với một công ty của Mỹ để đầu tư thêm công nghệ sấy thăng hoa.
Cũng xin nói thêm rằng, tất cả chi phí để làm những việc trên đều do thầy tự đầu tư từ nguồn trồng và bán hoa địa lan trong nhiều năm qua. Với thầy, đã là người tu thì phải tự do, mà “muốn tự do thì phải biết tự lo”!
Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt công nhận một số sản phẩm, trong đó có sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia; đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan xây dựng một số cơ chế ưu đãi đặc thù cho các sản phẩm này. Như vậy là sâm Ngọc Linh đã chính thức có vị thế mới trong đời sống người Việt và chắc chắn sẽ được Chính phủ chú trọng phát triển mạnh hơn. Đây cũng chính là niềm vui thứ hai của Thượng tọa.
Gần như ngay lập tức đại diện Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - ông Tạ Quang Minh - cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến cơ sở của thầy để khảo sát về công trình nghiên cứu sâm Ngọc Linh; từ đó nhằm nắm rõ tình hình, cũng như những thuận lợi và khó khăn để làm cơ sở dữ liệu xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ.
Được biết, đây là nhiệm vụ do Chính phủ giao nhằm gỡ bỏ những rào cản trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân và tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động này ở Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với những niềm trăn trở về các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra phục vụ rộng rãi cộng đồng của thầy đã sắp được thực hiện. Và đây cũng chính là tâm niệm lớn nhất của thầy kể từ ngày tự thân lặn lội lên đỉnh núi Ngọc Linh để tìm sâm trong nhiều năm trước!
Ngoài sâm Ngọc Linh, thầy Huệ Đăng còn một công trình tâm huyết khác, đó chính là Buddha Yoga Việt Nam. Cũng trong lần tiếp đoàn công tác Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ vừa rồi, thầy Huệ Đăng đã nêu lên nguyện vọng của mình là mong nhận được sự giúp đỡ để có thể đưa chương trình đào tạo Buddha Yoga ra rộng rãi xã hội. Mục đích duy nhất cũng là vì sức khỏe và trí tuệ của cộng đồng.
Hiện tại, thầy và các học trò đã tự từng bước phát triển và mở ra 4 trung tâm Buddha Yoga trên cả nước để truyền dạy các học viên.
Quay trở lại câu chuyện về cuộc gặp giữa thầy và GS Nguyễn Đức Nghĩa để nói thêm một chút về niềm vui của Thượng tọa Huệ Đăng ở hiện tại. Gọi cả hai là “tri kỷ” thật không sai bởi có lẽ ở Việt Nam chưa có một trường hợp nào mà một Thượng tọa lại gọi một người thế tục là em và xưng anh như giữa thầy Huệ Đăng và GS Nghĩa cả!
Thoạt nghe có vẻ lạ lắm, song nếu ai đã từng tiếp xúc với thầy Huệ Đăng thì sẽ thấy điều đó bình thường. Thầy là một cao tăng nhưng không câu nệ chuyện hình thức, không chỉ trong giao tiếp mà cả trong con đường tu tập của thầy cũng vậy. Ở chùa Thanh Quang (Đà Lạt) mà thầy trụ trì, thầy không chủ trương cúng lạy lễ bái như thường thấy ở nhiều nơi khác; thầy lạy Phật là để bày tỏ lòng biết ơn Phật đã để lại chánh pháp cho nhân loại, còn nhiệm vụ thầy là hiểu và thực hành đúng theo lời dạy của Phật.
Hỏi GS Nghĩa vì sao chọn gặp thầy mà không phải là người trồng sâm Ngọc Linh nào khác để hợp tác? Ông cười bảo, đó là cái duyên và hơn nữa ông hứng thú làm việc với một người đặc biệt như thầy Huệ Đăng. Mục đích cho cuộc hợp tác này cũng đơn giản là ông muốn góp thêm một chút công sức để sản phẩm sâm Ngọc Linh của thầy được hoàn chỉnh hơn, hữu dụng hơn với cộng đồng. Tất nhiên, không có bóng dáng nào của tư lợi ở đây cả!
Có chứng kiến cảnh thầy Huệ Đăng và GS Nghĩa trò chuyện say sưa hàng giờ liền về chủ đề sâm Ngọc Linh, về những trăn trở cũng như hướng phát triển, nâng tầm sản phẩm này mới biết thế nào là… hai con người “Đồng thanh tương ứng/Đồng khí tương cầu”! Với kinh nghiệm, kiến thức uyên bác của GS Nghĩa trong lĩnh vực hóa học nano cộng với cái tâm rộng lớn vì cộng đồng của thầy và của cả giáo sư thì tin chắc rằng sắp tới đây, nhiều người, đặc biệt là người bệnh ung thư trên khắp cả nước sẽ được dùng sâm Ngọc Linh để hỗ trợ trong quá trình điều trị, vượt qua bệnh tật.
Và vừa rồi nghe thầy nói, học trò của thầy sẽ mở ngay một cơ sở sâm Ngọc Linh gần Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Tin đó thật là vui!
Hiện nay đã ứng dụng thành công công nghệ nano trong sản xuất viên thuốc sâm Ngọc Linh.
“Cầm vàng đừng để vàng rơi”
Sâm Ngọc Linh, loại sâm được coi là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho vùng rừng núi của Quảng Nam và Kon Tum. ... |
Đối thoại với Thượng tọa Thích Huệ Đăng
Là nhà khoa học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, thầy Thích Huệ Đăng đã viết rất nhiều cuốn sách Phật pháp, trong đó ... |