"Không thể có chuyện lãnh đạo vẽ vời để sử dụng quyền hạn của mình một cách tiêu cực, phục vụ lợi ích nhóm trong vấn đề quản lý đất đai", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Gần đây, một số cán bộ, lãnh đạo bị xem xét thi hành kỷ luật, thậm chí bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai đã khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Nhiều câu hỏi nghi ngại về lợi ích nhóm, lạm dụng chức vụ quyền hạn của người cán bộ, lãnh đạo được đặt ra.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 19 vừa qua, ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu đích danh từng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; hoặc vụ 17 cán bộ của Sơn La bị khởi tố vì khai khống diện tích đất để chiếm dụng tiền đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng thủy điện...
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh nội dung này để trả lời băn khoăn của dư luận về việc có hay không sự cả nể khi thẩm định đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất cho doanh nghiệp, lợi ích nhóm khiến những chứ ký trở nên dễ dàng, ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần sớm nghiên cứu sửa luật Đất đai.
ĐBQH Lê Công Nhường.
"Không chỉ là buông lỏng quản lý mà ở đây có sự lợi dụng kẽ hở trong luật Đất đai. Các ĐBQH đang có những đề nghị sửa đổi luật Đất đai trong thời gian tới, siết chặt hơn việc quản lý tại các địa phương.
Qua một số vụ việc ở Yên Bái, Vĩnh Phúc, Sơn La… có thể thấy rõ sự buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở pháp luật và lợi ích nhóm nên một số cán bộ, lãnh đạo vun vén cho người thân, người quen. Nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp là làm sao để những kẽ hở này được lấp kín, đồng thời chấn chỉnh bộ phận hành pháp, đẩy mạnh công tác tư pháp, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thì đất nước mới phát triển được", vị ĐBQH tỉnh Bình Định nêu quan điểm.
Cũng trao đổi với PV về nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề cập đến việc phải xử lý nghiêm, không để cán bộ tự “vẽ vời”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa.
Ông Hòa nói: "Ở các địa phương hiện nay, do nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, kêu gọi đầu tư nên xảy ra tình trạng lách luật để cấp quyền sử dụng đất, cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê đất chưa đúng thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc và thậm chí vi phạm pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật một số lãnh đạo, quan chức ở Vĩnh Phúc gần đây là bài học đắt giá, nghiêm khắc cho những cán bộ thực thi công vụ, lạm dụng chức vụ quyền hạn, thực hiện những hành vi sai quy định của Đảng, Nhà nước".
Vị Phó đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, càng là cán bộ, lãnh đạo càng phải tuân thủ nguyên tắc, thượng tôn pháp luật. "Tôi đề nghị xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm để răn đe, cảnh báo, phòng ngừa cho địa phương khác, cán bộ khác còn chưa bị “chỉ mặt gọi tên”. Không thể có chuyện cán bộ, lãnh đạo vẽ vời, viện lý do này khác để sử dụng quyền hạn của mình một cách tiêu cực, phục vụ lợi ích nhóm đằng sau", ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Khi nào mới xét xử phúc thẩm vụ sai phạm đất đai ở Đồng Tâm?
Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định dời ngày xét xử phúc thẩm vụ vi phạm trong quản lý đất đai của ... |
Chủ tịch Đà Nẵng nói về sai phạm trong quản lý đất đai
Ông Thơ nhìn nhận: \'Sự việc xảy ra rồi, xử lý rồi nhưng người đứng đầu cũng bị xử lý nặng. TP chúng ta còn ... |
http://www.nguoiduatin.vn/phai-xu-ly-nghiem-khong-de-can-bo-tu-ve-voi-a347979.html