Sai phạm tại Thủ Thiêm: Lãnh đạo giao ký

 Bị Thanh tra Chính phủ cho là phải chịu trách nhiệm vì thay đổi Khu đô thị Thủ Thiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết ông làm theo chỉ đạo.

Trong thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ:

Việc UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998, trong đó điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3ha đất đã giao dự án cho 5 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000), nhất là việc tăng 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt; vị trí, giới hạn quy hoạch được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa.

Thanh tra Chính phủ xác định, trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng TP, các sở, ngành liên quan và UBND TP.

sai pham tai thu thiem lanh dao giao ky

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Về kết luận này, báo VnExpress dẫn lời ông Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nói về vai trò của mình thời điểm năm 1998: "Tôi đã nghỉ hưu 20 năm rồi. Lớn tuổi, sức khỏe không còn minh mẫn, tôi chỉ nhớ một tình tiết thôi. Đó là trước khi ký quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Thủ Thiêm tôi có trình lên lãnh đạo thành phố. Sau đó lãnh đạo giao lại cho tôi ký. Còn chi tiết báo cáo như thế nào, trình lên các bộ ngành ra sao thì quá lâu rồi tôi không nhớ rõ".

Theo ông Năm, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, UBND thành phố chắc chắn chỉ đạo các sở ngành xem xét lại mọi thứ. Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ thay mặt Kiến trúc sư trưởng thành phố báo cáo với Uỷ ban những việc đã xảy ra trong thời gian ông phụ trách. Bản thân ông nếu có thiếu sót, sẽ phải chịu trách nhiệm.

"Tôi ký duyệt bất cứ cái gì liên quan đều theo quy trình, thủ tục. Có nhiều ban ngành, cơ quan tham gia vào việc này, đâu chỉ mình tôi quyết hay ký duyệt được. Vì để ra cái quy hoạch này phải trình lên, trình xuống rồi phải thảo luận kỹ lưỡng các thứ", ông Năm khẳng định.

Lý do "ký quy hoạch Thủ Thiêm do được lãnh đạo giao" mà nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đưa ra hóa ra lại không phải là điều hiếm thấy, bởi trong một vụ việc khác, một vị nguyên lãnh đạo tỉnh cũng cho biết mình ký do chỉ đạo từ cấp trên.

Trường hợp cụ thể này là ông Lê Hữu Lộc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Liên quan đến quá trình cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn mà nhiều ý kiến cho rằng cảng đã được bán cho tư nhân với giá bèo, ông Lộc thừa nhận có ký 2 văn bản gửi Bộ GTVT.

Cụ thể, văn bản thứ nhất có số 1115/UBND-KTN ngày 4/4/2013 xin chủ trương CPH theo hướng đề nghị Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp. Văn bản thứ hai số 628/UBND-TH ngày 25/2/2014, đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, đây không phải là ý kiến cá nhân mà làm việc theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

“Trước đây, thời ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có trao đổi với tôi rằng cảng Quy Nhơn đang xuống cấp do Nhà nước không có tiền đầu tư. Tỉnh nên đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Thủ tướng thực hiện việc CPH để có nhà đầu tư chiến lược bỏ tiền ra nâng cấp cảng, thu hút hàng hóa.

Do vậy, ngày 4/4/2013, tôi ký văn bản gửi Bộ GTVT xin chủ trương CPH đề nghị Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy với lý do nêu trên”, báo Dân trí dẫn lời ông Lộc cho biết.

Theo ông Lộc, đến ngày 27/5/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký công văn số 747/TTg-ĐMDN đồng ý cho Bộ GTVT chỉ đạo CPH cảng Quy Nhơn theo phương thức Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ.

“Tuy nhiên, trong văn bản Phó Thủ tướng ký, căn cứ từ văn bản đề nghị của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 4/4/2013), chứ không căn cứ vào đề nghị của UBND tỉnh Bình Định. Văn bản UBND tỉnh Bình Định gửi Bộ GTVT trùng với văn bản Thủ tướng ký đồng ý. Như vậy, văn bản của UBND tỉnh Bình Định không tác động trực tiếp đến Bộ GTVT, vì sự việc này Bộ GTVT đã làm trước rồi”, ông Lộc giải thích.

Đối với văn bản ngày 25/2/2014, đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn, ông Lộc lý giải: “Ngày 1/1/2014, ông Đinh La Thăng làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bình Định với các sở, ban ngành với rất nhiều nội dung. Trong đó, có nội dung tỉnh thống nhất đề nghị CPH 100% cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, ông Thăng kết luận rằng CPH hết 100% thì phải làm thí điểm và phải báo cáo Thủ tướng cho làm thí điểm”.

Sau đó, Bộ GTVT có kết luận bằng văn bản số 06/TB-BGTVT ngày 6/1/2014 thông báo ý kiến của ông Thăng có đoạn nêu: “Việc CPH cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của tỉnh, giao Vinalines bán số cổ phần còn lại để đạt mức Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ theo phương án CPH được duyệt trong quý I năm 2014. Sau đó, giao Vụ Quản lý doanh nghiệp dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép thí điểm bán toàn bộ số cổ phần còn lại cho nhà đầu tư trong nước để mở rộng cảng theo quy hoạch được duyệt”.

“Tôi nghỉ hưu từ ngày 1/11/2014, nhưng thực tế việc CPH cảng Quy Nhơn hoàn toàn còn diễn ra đến năm 2015 nên tôi không biết gì nữa cả. Bản thân tôi, kể cả người nhà, người thân tôi đều không có ai mua cổ phần ở cảng Quy Nhơn.

Tháng 7/2015, ông Nguyễn Văn Thiện còn ký văn bản Tỉnh ủy gửi Bộ GTVT liên quan đến việc CPH. Lúc đó, tôi đã nghỉ hưu 7-8 tháng rồi, chứng tỏ việc này không phải của tôi”, ông Lộc chia sẻ.

sai pham tai thu thiem lanh dao giao ky Dân Thủ Thiêm nói gì về kết quả kiểm tra đất đai?

Nhiều bà con Thủ Thiêm vui mừng vì sau 20 năm khiếu nại, lần đầu tiên những sai phạm từ cấp UBND TP.HCM trở xuống ...

sai pham tai thu thiem lanh dao giao ky Nguyên kiến trúc sư trưởng TP HCM: \'Lãnh đạo giao tôi ký quy hoạch Thủ Thiêm\'

Bị Thanh tra Chính phủ cho là phải chịu trách nhiệm vì thay đổi Khu đô thị Thủ Thiêm, ông Lê Văn Năm nói làm ...

/ http://baodatviet.vn