Sai phạm tại các dự án của Alibaba: Vì sao khách hàng dễ dàng sa vào bẫy?

Trên thực tế, chưa có bất kỳ dự án nào mà Cty cổ phần địa ốc Alibaba (viết tắt Alibaba), giới thiệu là dự án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, hoàn chỉnh pháp lý theo quy định. Quy hoạch phân lô, đường sá, tiện ích công cộng cũng do Alibaba tự vẽ và nói với khách hàng. Người đứng tên sở hữu những mảnh đất này cũng là những cá nhân và đất đai cũng đang là đất nông nghiệp. Vậy đâu là cách mà công ty này có thể thu hút hàng nghìn khách hàng xuống tiền?

Từ kiểu chiêu dụ “đơn sơ”

Trong thời gian đầu tham gia thị trường địa ốc, chiêu thức bán hàng được Alibaba áp dụng đó chính là dẫn dụ khách mua đất tại khu vực Long Thành (Đồng Nai), với thông tin quy hoạch sân bay quốc tế, mức giá bán khá mềm. Hằng tuần công ty này liên tục chở khách xuống xem các khu đất và tổ chức các sự kiện mở bán với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để dụ khách.

Chị Thuỳ - một khách hàng ở quận 10 - kể lại, tháng 11.2016, chị biết đến Alibaba qua giới thiệu của bạn bè. Thời điểm đó đang là cơn sốt đất Long Thành, qua lời giới thiệu hấp dẫn của nhân viên môi giới, chị quyết định mua hai lô đất thuộc dự án Long Phước 1 tại xã Long Phước, huyện Long Thành do Công ty Alibaba làm chủ đầu tư do giá đất khá “mềm”, vào khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng tuỳ vị trí. Đồng thời, chủ đầu tư đưa ra nhiều ưu đãi như giảm giá 10 - 20% trong những lần mở bán, nếu thanh toán 95% sẽ được tặng một cây vàng... Không những vậy chủ đầu tư cam kết sẽ thu mua lại lô đất khi khách hàng có nhu cầu bán.

Vì mờ mắt trước mắt lợi ích hấp dẫn mà chị Thùy cũng như rất nhiều người đã xuống tiền mua rất nhiều lô đất. Chị Thùy may mắn đã bán các lô đất này cho người khác, còn theo như chị biết bạn bè chị vẫn có nhiều người đang mắc kẹt chôn tiền nhưng không có đất.

Đến chiêu bài trả lãi suất cao

Bí quyết đầu tiên để Alibaba thành công trong việc lôi kéo khách hàng là việc bán đất với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Vào cuối năm 2017, Alibaba rao bán dự án ảo Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) với mức giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2, chỉ bằng 50% so với thị trường tại thời điểm đó. Hiện nay, Alibaba cũng đang rao bán một loạt dự án ở Đồng Nai như ở Nhơn Trạch, Xuân Lộc hay ở Vũng Tàu như Phú Mỹ, Tân Thành… với mức giá cũng chỉ từ 2 - 6 triệu đồng/m2, bằng 30 - 60% so với giá thị trường của các dự án khác.

Để thu hút thêm khách, Alibaba còn cam kết lợi nhuận “khủng” khi thu mua dự án. Với chính sách này, khi khách hàng đã đóng tiền mua dự án do Alibaba môi giới, nếu không hoàn thành việc bàn giao sổ đỏ hoặc khách hàng muốn bán lại thì Alibaba sẽ chi trả tiền gốc và lãi suất khoảng 12 - 15% cho 6 tháng hoặc 28 - 35%/năm. Thậm chí, có thời điểm và tuỳ dự án, công ty này đưa ra chính sách cam kết “thuê lại đất 2%/tháng” hoặc mua chênh lệch 30% sau 12 tháng… đối với những khách đã ký hợp đồng mua đất công ty này. Như vậy, ngay cả khi không nhận được “sổ đỏ” như rủi ro ở trên thì khách hàng vẫn nhận được một khoản lãi cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Do đó, khách hàng cảm thấy gần như “chắc chắn thắng” khi đầu tư vào địa ốc của Alibaba.

Đây chính là một trong những “chiêu” để dụ nhà đầu tư của các nhân viên môi giới Alibaba. Trên thực tế, Alibaba đã thực hiện chính sách “thu mua” và nhiều khách hàng nhận được “lãi khủng” khi mua đất các dự án “ảo” của doanh nghiệp này. Do đó, dù phần lớn dự án của Alibaba là không có thật, và công ty này cũng không sở hữu những dự án đó nhưng vẫn có hàng nghìn khách hàng “xuống tiền” ký hợp đồng.

Minh chứng là Alibaba đã dễ dàng thu hút được hàng nghìn khách hàng tham gia mua dự án. Trong một công bố vào cuối tháng 6.2019, Tập đoàn địa ốc Alibaba cho biết, trong tháng 6, Alibaba đã bán được 2.365 lô đất và thu về khoản tiền 653 tỉ đồng (30% tiền thanh toán đợt 1). Nhiều khách hàng của Alibaba cũng cho biết, họ đang đầu tư hàng chục lô đất của công ty này. Thậm chí, mới đây nhất, dù trong cơn bão khủng hoảng liên quan đến việc nhân viên công ty chống người cưỡng chế và bị bắt, nhưng Alibaba vẫn mở bán dự án Ali Aqua Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Alibaba Thắng Hải Newtimes City (Bình Thuận). Theo thông báo từ phía công ty, đã có gần 1.000 nền được đặt thành công trong đợt mở bán 16.6.2019 vừa qua.

Và theo tìm hiểu từ phía các khách hàng thì điều khiến họ “an tâm” khi xuống tiền mua sản phẩm Công ty Alibaba bên cạnh các chính sách siêu lợi nhuận thì những thông tin về tầm vóc “khủng” của công ty cũng là một cái bẫy dẫn dụ rất nhẹ nhàng.

Cụ thể, Alibaba thuyết phục khách hàng mua đất là số vốn điều lệ 5.600 tỉ đồng (công bố website), nên khách hàng yên tâm mua vì nghĩ rằng công ty hoàn toàn có khả năng chi trả lại tiền gốc và lãi cho khách hàng khi không giao được đất như trong hợp đồng.

sai pham tai cac du an cua alibaba vi sao khach hang de dang sa vao bay
Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoang tàn, cây cỏ rậm rạp sau khi bị cưỡng chế. Ảnh: LÊ NGÂN

Nhà đầu tư cầm dao đằng lưỡi

Trên thực tế, toàn bộ cái được gọi là “dự án” như Ali Aqua Nhơn trạch, Ali Mega Xuân Lộc, Alibaba Tóc Tiên… là dự án “ma”. Chưa có bất kỳ dự án nào mà Alibaba giới thiệu là dự án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Quy hoạch phân lô, đường sá, tiện ích công cộng cũng do Alibaba tự vẽ và nói với khách hàng. Người đứng tên sở hữu những mảnh đất này cũng là những cá nhân và đất đai cũng đang là đất nông nghiệp.

Việc chuyển đổi những khu đất này thành đất thổ cư như bản vẽ của Alibaba đưa cho khách hàng là điều khó khả thi. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng gần như chắc chắn sẽ không nhận được sổ đỏ như lời hứa của Alibaba.

Bên cạnh đó, các hợp đồng mà Alibaba ký với khách hàng thực tế cũng không phải là hợp đồng mua bán nhà đất. Đây chỉ là một hợp đồng dân sự bình thường giữa Alibaba và khách hàng. Nhà đầu tư không buộc Alibaba giao lô đất như ký kết trong hợp đồng bởi lô đất trong hợp đồng thực tế không tồn tại. Đặc biệt, trong hợp đồng mẫu Alibaba đưa ra điều kiện bất khả kháng thì Alibaba không phải bàn giao đất mà chỉ bị phạt 150% lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm tại Ngân hàng ACB.

Luật sư Vũ Văn Biên (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) cho rằng, trước dấu hiệu lừa đảo của Công ty Alibaba mà cơ quan cảnh sát đang điều tra, người dân là những khách hàng cần tố giác với công an về các giao dịch với Công ty Alibaba; cung cấp các tài liệu, chứng cứ như hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty... để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. “Sau quá trình điều tra, nếu các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định lãnh đạo Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì quyền lợi của mọi người sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự. Tòa sẽ tuyên buộc công ty hoặc các cá nhân chiếm hưởng bồi thường cho họ. Số tiền môi giới mà các nhân viên Công ty Alibaba được hưởng trên mỗi hợp đồng ký kết trái pháp luật cần được xem là tiền thu lợi bất chính và phải bị tịch thu để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho khách hàng” - luật sư Biên nói. T.CHÍ

Lấy tiền của người sau trả cho người trước

Theo Chuyên gia đầu tư tài chính Nguyễn Duy Phương, Cty chức khoán VCSC: Alibaba áp dụng mô hình kinh doanh sẵn sàng bán đất thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường và cam kết mức lợi nhuận rất cao. Đây thực chất là một “chiêu” huy động vốn từ khách hàng. Nếu thực sự công ty này đang kinh doanh và có vốn thực 5.600 tỉ đồng như công bố chắc chắn họ sẽ không huy động vốn từ khách hàng với lãi suất 2%/tháng. Nhờ giá nhà đất liên tục tăng trong thời gian qua nên Alibaba có thể tiếp tục bán những lô đất này cho thêm nhiều khách hàng mới. Bên cạnh đó, để có dòng tiền thì công ty cũng không ngừng mở rộng kinh doanh các dự án mới. Tổng số dự án hiện nay Alibaba công bố đã hoặc đang mở bán lên đến 47 dự án với gần 20.000 sản phẩm. Dòng tiền mới này có thể đảm bảo cho Alibaba trả cho những hợp đồng “đáo hạn”. Xét các đặc trưng đó cho thấy, dường như Alibaba đang hoạt động theo kiểu đa cấp Ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước) khá tinh vi.

sai pham tai cac du an cua alibaba vi sao khach hang de dang sa vao bay Vụ công ty Alibaba bán đất "ma", cần xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương
sai pham tai cac du an cua alibaba vi sao khach hang de dang sa vao bay Làm thế nào tránh sập bẫy dự án ‘ma’ kiểu Alibaba?
sai pham tai cac du an cua alibaba vi sao khach hang de dang sa vao bay Loạt công ty "con" của Địa ốc Alibaba lừa đảo
/ laodong.vn