Tôi được học Tam tự kinh, Quốc văn giáo khoa thư và phổ thông hệ mười năm sau ngày hoà bình lập lại.
Ký ức trang sách ở tuổi thơ còn như tờ giấy trắng vẹn nguyên. Ngày học vỡ lòng, ông nội đã dạy tôi bằng Tam tự kinh để thuộc lòng "nhân chi sơ, tính bản thiện". Đến tuổi đi học ở trường, tôi đã học lớp năm, lớp tư thời Pháp chiếm đóng (tức lớp một, lớp hai bây giờ) tại Hải Phòng. Tôi vẫn nhớ thầy tôi đã ngoài 50, mặc áo the, dạy dỗ từng tý một theo cuốn Quốc văn giáo khoa thư do học giả Trần Trọng Kim chủ biên.
Hoà bình lập lại, cả nhà về quê ở ngoại thành Hà Nội. Tôi được học tiếp lớp ba trường làng, thầy giáo là một cán bộ Nam bộ tập kết, lớp học mở tại một gian của chùa làng. Thầy dạy kỹ càng mọi thứ như nề nếp trong nhà, tôn ti ngoài làng, cây cối ven đường, vật nuôi ngoài sân, đôi khi thầy kể chuyện về vùng sông nước Cửu Long quê thầy. Rồi sau đó, tôi đi trọ học tại Hà Nội phố, được học theo hệ phổ thông mười năm hình thành từ chiến khu Việt Bắc.
Tôi vẫn nhớ, nội dung của chương trình phổ thông mười năm ấy giữ được nếp giáo dục xưa, có thay đổi chút ít từ đất nước thuộc địa thành đất nước độc lập. Đó là triết lý giáo dục hợp lý của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên suốt từ cuối 1946 tới cuối 1975. Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thị Bình và sau đó là Giáo sư Phạm Minh Hạc, đã khởi xướng chủ trương cải cách giáo dục cho phù hợp với đất nước và dân tộc thống nhất. Chủ trương hoàn toàn đúng, cả đất nước cần một nền giáo dục đúng đắn cho tương lai.
Từ 1990, Bộ Giáo dục được ghép với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành "siêu bộ" Giáo dục và Đào tạo, quản lý mọi khía cạnh dạy và học từ việc uốn nắn trẻ thơ, lẫn việc tạo ra đội ngũ lao động lành nghề, cho tới việc hun đúc nên các học giả ở nhiều bậc học vị. Đến nay, cải cách giáo dục đã trải qua 45 năm, từ khi có Bộ Giáo dục và Đào tạo đến giờ cũng đã 30 năm. Một số điểm tích cực có thể nhận thấy chỉ trong phần "đào tạo" người lớn, còn phần "giáo dục" thế hệ trẻ vẫn đang giữa rừng ý kiến, chưa bên nào chịu bên nào.
Vợ tôi vốn là người thờ ơ với chuyện xã hội, chỉ chăm chăm vào nghệ thuật. Hôm vừa rồi cũng "nổi đoá" lên với tôi rằng nếu cho con đi học lớp Một, nó hỏi "nói dối", "báo oán", "đánh ghen" là gì thì sao đây, "đến phải để trẻ ở nhà cho bố mẹ dạy thôi". Tôi tìm đọc ngay hết mấy bộ sách và thấy, nó đã sai cơ bản về tâm lý giáo dục, sai đến mức không thể sửa được. Đêm ấy tôi không ngủ được, chỉ nằm nghĩ.
Nửa đời tôi làm nghề giáo viên, đã dạy từ năm đầu đến năm cuối bậc đại học, đào tạo ra rất nhiều thạc sĩ và tiến sĩ, ở nhiều đại học trong và ngoài nước. Ngoài ra, tôi cũng đã có năm năm (1976 - 1980) dạy luyện thi đại học và nghiên cứu sinh môn toán tại "lò" luyện thi Bách khoa Hà Nội. Ngần ấy năm làm đào tạo, tôi đã rút ra được vài triết lý giáo dục.
Thứ nhất, kể cả viết sách và giảng bài, cần tìm hiểu thật kỹ người đọc và người nghe thuộc lứa tuổi nào, họ tư duy ra sao, họ đã biết gì và cần biết thêm gì, định hướng sao cho tích cực. Ví dụ như ở tuổi lớp một thì dạy trẻ kỹ năng làm người tốt trước, đừng vội dạy trẻ kỹ năng chống lại điều xấu như lừa lọc, dối trá. Những tư tưởng kém tích cực, nếu cần dạy, lui lại dăm bảy năm sau cũng chưa muộn.
Thứ hai, thay vì dạy theo kiểu nhồi kiến thức càng nhiều càng tốt, hãy chỉ cho người học phương pháp tư duy. Khi tôi dạy luyện thi toán, các đại học đưa ra các bộ đề thi. "Vứt hết các bộ đề thi vào sọt rác, tôi sẽ dạy các em phương pháp tư duy để áp dụng cho bất cứ đề thi nào", tôi nói với thí sinh. Sau này, tôi đọc được bình luận dưới một bài báo của tôi: "Thầy ơi, thầy đã dạy em thi vào đại học, em đã đỗ năm ấy và hiện em đang rất thành công ở nước ngoài, chỉ nhờ phương pháp tư duy ấy. Em nhớ thầy quá".
Thứ ba, đừng bắt học sinh thuộc lòng bất cứ điều gì. Việc học thuộc gì tuỳ hứng thú của mỗi người, nhưng mỗi người cần có kỹ năng biết tìm tri thức cần thiết ở đâu, trong cuốn sách nào. Một người quen mới gửi cho tôi lời học trò trên mạng, "thầy Đặng Hùng Võ đã nói với chúng tôi, những sinh viên đại học, rằng tôi dạy các anh là dạy khi cần các anh biết giở cuốn sách nào, chứ không bắt các anh phải thuộc những công thức dài hàng trang. Thi cử các anh cứ giở sách thoải mái đi, chỉ sợ các anh không biết chỗ nào mà giở".
Quay trở lại câu chuyện cải cách giáo dục, tôi cho rằng lỗi lớn là ta đã ghép "giáo dục" thế hệ trẻ và "đào tạo" người lớn vào chung một bộ. Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập, tất cả bộ trưởng đều từ khu vực đại học, các việc lớn đều do bên đại học chủ trì. Một giáo sư ngữ văn, lịch sử hay địa lý có thể rất giỏi chuyên môn, nhưng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không rành về tâm lý giáo dục trẻ em. Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng vậy, chúng ta cần các thành viên gồm các nhà sư phạm có tầm. "Giáo dục" đang bị lép dần khi "đào tạo" lấn sân. Liệu có thể trả lại chức năng cho một bộ chuyên về giáo dục, nhờ vậy giáo dục mới có thể lớn lên, mới có các nhà sư phạm tầm vóc và hoàn thành sứ mệnh tạo ra lớp trẻ trong sáng, lạc quan và mạnh mẽ? Phần "đào tạo" người lớn có thể chuyển về Bộ Khoa học và Công nghệ. Bởi hoạt động của một đại học rất gần với một viện nghiên cứu.
"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục", Nelson Mandela từng nói, cũng như Bác Hồ nhấn mạnh từ hơn nửa thế kỷ trước "vì sự nghiệp trăm năm, phải trồng người". Đảng ta đã ban hành hai Nghị quyết về đổi mới giáo dục: Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ 2, khoá 8 (1996) coi "đổi mới giáo dục - đào tạo là then chốt" và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành TW lần thứ 8, khóa 11 (2013) về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo". Đường lối rất rõ ràng, nhưng thực tế có vẻ còn chưa khớp. Càng chậm tạo dựng bộ máy tổ chức hợp lý và lựa chọn đúng cán bộ, giáo dục có thể làm suy yếu tương lai.
Sao sách giáo khoa xưa lại lan tỏa và rung cảm đến bây giờ?
Trẻ thời nay ‘bò ra học’ nhưng không biết chúng có ấn tượng với thứ được học không? Thời chúng tôi, bài học ở các ... |