Hãng tin RT có bài bình luận về cục diện của xung đột Nga - Ukraine hiện nay, trong bối cảnh nước Mỹ có nhiều thay đổi chính sách với quốc gia đồng minh ở châu Âu.
Những tín hiệu thay đổi từ Washington
Những phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ đã gây chú ý. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Washington đang bắt đầu hiểu rõ hơn về lập trường của Nga trong tiến trình đàm phán về Ukraine. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hegseth tuyên bố thời kỳ Mỹ làm “bảo đảm an ninh duy nhất” cho châu Âu đã kết thúc.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2025 (Ảnh: RT)
Đây có phải là chiến thắng ngoại giao cho Nga? Chưa hẳn. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, những tín hiệu này từ Washington không nên bị xem nhẹ như động thái chiến thuật đơn thuần. Thay vào đó, chúng gợi ý khả năng ngày càng lớn về sự thỏa hiệp chiến lược – chính là mục tiêu mà Nga đã theo đuổi từ các sáng kiến an ninh châu Âu tháng 12/2021. Đã có quá nhiều sinh mạng hy sinh để trật tự thế giới đi đến điểm này, như lời nhắc nhở rằng những thay đổi quan trọng trong quan hệ quốc tế hiếm khi diễn ra trong hòa bình.
Trong suốt 80 năm qua, trật tự an ninh châu Âu luôn gây bất lợi với Nga. Ngay cả khi Liên Xô hoặc Nga tham gia chính thức, đó cũng chỉ là cơ chế nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga. Toàn bộ tính "chính danh" của trật tự quốc tế sau chiến tranh, như cố Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định, dựa trên việc kiềm chế Nga. Sau năm 1945, các quốc gia phương Tây đặt ưu tiên kiềm chế Nga cao hơn cả quyền tự chủ của chính mình. Từ bỏ nguyên tắc này đồng nghĩa với việc thừa nhận sự sụp đổ của trật tự cũ và nhu cầu xây dựng một trật tự mới.
Ngày nay, những biến động chính trị tại Mỹ khiến sự chuyển dịch này trở nên khả thi, dù chắc chắn vẫn còn xa. Chính sách thất thường của Washington đối với Ukraine chỉ là một ví dụ của những thay đổi sâu sắc hơn trong cấu trúc chính trị châu Âu. Thật ngây thơ nếu tin rằng sự thù địch trước đây của Mỹ đối với lợi ích Nga đơn giản là do thiếu hiểu biết. Người Mỹ thường bị rập khuôn là những "nhà giàu mới" thô lỗ, nhưng sự thật là các quốc gia hành động dựa trên tính toán quyền lực và lợi ích, chứ không phải trên cảm xúc hay hiểu lầm.
Sự suy yếu của Mỹ và những tính toán mới
Dù có nhiều khác biệt, Mỹ vẫn là một cường quốc có chủ quyền. Hiện nay, sự suy yếu của Mỹ buộc Washington phải đánh giá lại các ưu tiên của mình. Mỹ không còn khả năng gánh vác vô tận các nghĩa vụ đối ngoại. Các cử tri Mỹ yêu cầu các nhà lãnh đạo tập trung vào những vấn đề trong nước. Trong hoàn cảnh đó, nhu cầu "đóng băng" xung đột với Nga trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu, Washington nhận thấy việc bám víu vào các cam kết lỗi thời không còn giá trị. Việc duy trì các "vệ tinh" châu Âu đã trở thành một gánh nặng xa xỉ không thể chi trả nổi. Trên thực tế, các “bảo đảm an ninh” của Mỹ dành cho châu Âu luôn là một câu chuyện xa vời hơn là câu chuyện thực tế. Mục đích chính của chúng là tạo ra tâm lý – thuyết phục Nga rằng phương Tây là bất khả chiến bại, từ đó ngăn cản những thách thức mà không cần phải liên tục chứng minh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)
Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau giữa thập niên 1950, Liên Xô cũng không còn ý định tấn công Tây Âu. Sau năm 1991, tất cả những gì Nga mong muốn từ châu Âu chỉ là thương mại và du lịch. Không bao giờ thực sự tồn tại nhu cầu cần một "người bảo vệ" bên ngoài cho lục địa này.
Hơn nữa, các chính trị gia Mỹ luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Không một chính quyền Mỹ nào sẵn sàng hy sinh bản thân chỉ để thực hiện cam kết hình thức đối với quốc gia khác. Ngay cả trong ba năm qua, nguy cơ leo thang lớn nhất giữa Mỹ và Nga không xuất phát từ việc bảo vệ giả định cho châu Âu, mà đến từ những rủi ro an ninh trực tiếp liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Tất nhiên, người Tây Âu từ lâu đã hiểu rằng các bảo đảm an ninh của Mỹ chỉ giúp tiện lợi về mặt chính trị. Ngay cả những thế lực bài Nga cực đoan nhất ở Baltic cũng biết rõ điều này. Nhưng trong nhiều thập kỷ, các quốc gia EU đã dựa vào điều này để biện minh cho các chính sách thù địch với Nga trong khi tránh được gánh nặng chi tiêu quốc phòng thực sự. Đây trở thành tư tưởng giữ cho châu Âu tồn tại. Nếu không có nó, họ gần như không có tầm nhìn thay thế một trật tự chung mà không dựa trên sự thù địch với Nga.
Phản ứng của Nga trước những thay đổi
Việc lãnh đạo Mỹ có khả năng rút lui khỏi châu Âu không có nghĩa là Nga nên vội vã tiến hành các bước đi hung hăng. Trái lại, Nga nên tiến hành bằng các bước đi tỉnh táo. Chiến tranh chưa bao giờ là việc ưa thích trong chính sách đối ngoại của Nga. Trong suốt lịch sử, Nga luôn ưu tiên ngoại giao, ngay cả khi tiến trình đó diễn ra chậm chạp và bị gián đoạn bởi các cuộc xung đột. Sự kiên nhẫn chính là sức mạnh vĩ đại nhất của Nga.
Vì vậy, phản ứng của Nga trước sự rút lui của Mỹ sẽ được cân nhắc và thận trọng. Nga thậm chí sẵn sàng hỗ trợ các đồng nghiệp Mỹ trong việc "giải thích" lập trường đang thay đổi của họ cho các đồng minh. Rốt cuộc, một sự thức tỉnh đột ngột về lợi ích của Nga cần được xử lý một cách tinh tế.
Trong một thế giới đang hình thành, thay đổi sẽ không được xác định bằng những tuyên bố lớn lao, mà bằng sự tái khẳng định từ chủ quyền quốc gia.
Nga, bằng cách kiên trì và thận trọng, sẽ tiếp tục tiến bước trong bối cảnh mới – một thế giới mà sự thật quyền lực sẽ thay thế cho những câu chuyện viễn tưởng của quá khứ.
https://vtcnews.vn/rt-my-khong-con-kha-nang-ganh-vac-vo-tan-cac-nghia-vu-doi-ngoai-ar940601.html