Thấy bát bún cá sau giờ học buổi sáng, đôi mắt những đứa trẻ vùng cao tại điểm trường Păk Lũ Quảng Nam hấp háy bao niềm vui.
Mới đây, những bức hình kèm dòng chia sẻ trên trang cá nhân của chị Phạm Hoài Trân khiến nhiều người xúc động. Đó là hình ảnh bát bún cá quen thuộc của trẻ miền xuôi nhưng là "sơn hào hải vị" với các em học sinh ở điểm trường Tăk Lũ (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
"Hôm nay các con không phải lội bộ 2,3 tiếng về nhà giữa trưa nắng nữa. Các con có thể no bụng học đến chiều. Các con còn được ăn thịt, bình thường chỉ được ăn rau thôi. Thương quá, tội các thầy cô. Trường chưa có nước. Nhà vệ sinh của các con cũng chưa có nước dùng.
Thầy cô phải lội bộ xuống dốc, xin nước nhà dân để nấu ăn cho các con, nên chỉ có thể làm 1 món đơn giản: Bún cá", chị Trân chia sẻ.
Những đứa trẻ hân hoan vì được ăn trưa tại trường thay vì đi bộ về nhà 2 tiếng đồng hồ. (Ảnh: NVCC) |
Với những đứa trẻ này, cơm thịt là thứ xa xỉ và được ăn một ngày 2 bữa đầy đủ chất dinh dưỡng dường như chỉ xuất hiện trong suy nghĩ hay mơ ước của chúng. Thường ngày, chúng lấp đầy chiếc bụng đói sau giờ học bằng củ khoai, củ sắn. Vậy nên, bữa trưa với bát bún có cá khiến đôi mắt chúng sáng bừng, hạnh phúc.
Điểm trường Tăk Lũ, hiện có 40 học sinh ở các độ tuổi mầm non, lớp 1 và lớp 2. Từ lớp 3 trở lên, các em phải tập trung xuống trường học dưới xã.
Riêng trẻ mầm non được học 2 buổi từ thứ 2 đến thứ 6 do nhà nước nuôi ăn trưa; học sinh lớp 1 và lớp 2 hết giờ học buổi sáng phải tự túc ăn trưa. Nhiều em đi bộ về nhà, quãng đường dài 2 tiếng.
Những chiếc bàn học cũ ghép lại thành bàn ăn. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với VTC News, chị Hoài Trân cho biết, các em được ăn trưa 2 bữa trưa mỗi tuần tại trường, vào thứ 3 và thứ 5. Vì thế, cũng chỉ có 2 ngày này các em được học 2 buổi.
Bữa ăn trưa ở hình ảnh trên được huy động từ sự quyên góp của cộng đồng qua dự án “Nuôi em” do chị Hoài Trân khởi xướng. Dự án giúp đảm bảo cho các bé ở các điểm trường vùng cao, không có điều kiện kinh tế được ăn trưa đầy đủ.
Theo chị Hoài Trân, ở Nam Trà My có 3.000 bé cần được nhận "Nuôi em'. Trong năm học đầu tiên này chị triển khai nhận nuôi khoảng 500 em. Sau đợt 1 dự án kết thúc với 264 em tại 5 điểm trường, chị tiếp tục đợt 2 với khoảng 250 em.