Sáng nay (9.8), tiếp tục chương trình phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt .
Cho ý kiến liên quan tới dự án Luật Trồng trọt, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, luật này trực tiếp tác động tới nhiều người dân. Do đó, nếu người dân hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động trồng trọt của mình thì sẽ hiệu quả hơn.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng đặt câu hỏi: Hiện nay, có hiện tượng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” (một bên để bán, một bên để gia đình ăn - PV) mà dư luận vẫn phản ánh, hay hiện tượng được mùa mất giá…, vậy luật này có thể khắc phục được không?
Các đại biểu tham dự phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh Q.H
Bà Hải cũng bày tỏ sự băn khoăn liên quan đến quy định tại Điều 41 về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Nếu quy định những người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên..., điều này có khả thi không? Việc này lấy ý kiến của người dân sẽ như thế nào, có áp dụng vào thực tế được không?
Bà Hải cũng cho rằng, ngôn ngữ trong luật còn mang nặng tính khoa học, nhiều từ ngữ khiến người dân khó hiểu. Do vậy, nếu luật được ban hành, cần có những cẩm nang, hướng dẫn từ ngữ đơn giản hơn, mộc mạc hơn để đồng bào dễ hiểu và nắm bắt được.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng chiến lược phát triển trồng trọt cần được quan tâm hơn. Dự án Luật cũng đã có quy định về chiến lược để giải quyết bài toán “được mùa mất giá”, dự báo cung cầu thị trường trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên cần đề nghị thêm cơ chế để theo dõi giám sát để chiến lược này giúp cho phát triển ngành trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Q.H
Ông Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ băn khoăn việc dự luật đưa ra việc khuyến khích, cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, tuy nhiên trong dự thảo luật chưa rõ cơ quan nào cho phép chuyển đổi này. Do vậy, chỗ này về mặt chủ trương thì thống nhất, nhưng cách triển khai thực hiện cần thống nhất lại.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cũng đề nghị cần phải rà soát và thống nhất lại về những quy định liên quan tới cải cách hành chính và cắt giảm thủ tục kinh doanh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho hay, trong dự luật đang dành nhiều thời lượng về giống và phân bón. Trong khi đó khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, quản lý chất lượng… thì lại rất ít. Đây là khâu mà hiện nay chúng ta đang yếu. Như vậy cần phân bổ lại các điều với nhau sao cho cân xứng hơn.
Phát biểu liên quan tới dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đây là luật rất quan trọng. Đất nước ta 70% dân số là nông dân, sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Luật này cần giải phóng được những gì ách tắc, khó khăn của sản phẩm nông nghiệp và vướng mắc của đời sống người dân. Cần phải giải quyết được vấn đề phân bón giả, thuốc trừ sâu giả… Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại, không có quá nhiều giấy phép con, bãi bỏ những quy định gây cản trở cho nền nông nghiệp.
Người dân giải thích lý do thu gom rễ hồ tiêu bán cho thương lái
Sau khi hàng loạt phương tiện truyền thông đăng tin về việc thương lái thu mua rễ tiêu ở Đồng Nai, ngày 16.5, Cục Trồng ... |
Uzbekistan yêu cầu người dân trồng khoai tây và nuôi gà tại nhà
Uzbekistan yêu cầu người dân trồng trọt và nuôi gia cầm, gia súc trong vườn nhà, nếu không sẽ chịu mức thuế đất cao gấp ... |
Cục trưởng Cục trồng trọt nói gì về hàng trăm tấn củ cải, su hào ế thừa phải chặt bỏ?
"Rau ế thừa phải chặt bỏ chỉ xảy ra ở Hà Nội và Hải Dương” - đó là thông tin của ông Nguyễn Hồng Sơn ... |