- Cơ sở sản xuất muối chôn lấp hơn 2.100 tấn rác thải
- Ảnh: Rác thải tràn ngập nhiều bãi biển ở Nghệ An, Thanh Hoá
Dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới.
Giữa năm 2020, các nhà khoa học thuộc Quỹ Ellen MacArthur, Đại học Oxford, Đại học Leeds và Tổ chức Common Seas công bố một nghiên cứu gây sốt: rác thải nhựa đại dương đang tăng đột biến, và dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới.
Một thảm họa môi trường đang diễn ra trước mắt, đặt ra viễn cảnh đen tối cho tương lai nhân loại.
Rác thải nhựa - Thảm họa toàn cầu
Theo thống kê của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường - SPREP, mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon. Riêng ở Mỹ, khối lượng túi nilon được sản xuất và sử dụng là 100 tỷ tấn. Những chiếc túi tưởng như quen thuộc và vô hại, thường được làm từ polyethylene, cần phải có nhiên liệu hóa thạch để sản xuất.
Để tạo ra 14 chiếc túi nilon, nhà sản xuất cần lượng nhiên liệu tương đương cần thiết để lái chiếc xe 1 dặm.
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chỉ đơn giản là dùng túi ni lông một lần rồi thải ra môi trường. Mỗi tấn túi nilon được tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tương đương với 11 thùng dầu, nhưng chúng ta chỉ tái chế khoảng 1% số lượng túi nilon sử dụng mỗi năm.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất.
Ai cũng biết công dụng và mức độ tiện lợi của túi nilon, nhưng không phải ai cũng nhận thức được vòng đời của chúng sau khi bị con người bỏ vào thùng rác. Những chiếc túi ấy sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc bị thổi bay ra môi trường xung quanh, hòa vào những loại rác thải nhựa mà chúng ta vứt bỏ mỗi năm. Khoảng 10% tổng số rác thải nhựa này sẽ trôi ra biển.
Ước tính có khoảng 300 triệu túi nhựa mỗi năm trôi dạt trên vùng biển Đại Tây Dương, trong số hàng triệu tấn nhựa được sản xuất gây ô nhiễm đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Ở rãnh Mariana - nơi sâu nhất dưới đáy đại dương (độ sâu khoảng 10.975m), túi nilon cũng đã được tìm thấy. Tuy nhiên, hiện nay chính xác có bao nhiêu túi nilon ở đại dương là câu hỏi rất khó để trả lời.
Hàng triệu triệu túi nilon và rác thải nhựa trôi nổi trên biển mỗi năm.
80% lượng túi nilon và các loại rác thải nhựa trôi nổi trên biển có nguồn gốc từ đất liền, không phải từ tàu biển. Rác thải nhựa đại dương, bản chất chính là rác thải nhựa của đất liền. Các loại chất thải nhựa khác nhau, bao gồm túi nilon, hộp đựng thực phẩm và bao bì, chiếm khoảng 31,7% tổng lượng chất thải rắn đô thị. 14,1% lượng rác thải nhựa đại dương là túi nilon- nhiều nhất trong số lượng rác nhựa trôi nổi hàng năm trên biển.
Trên bề mặt đại dương, rác thải nhựa tạo thành những đảo ô nhiễm lớn. Great Pacific Garbage Patch, khu vực ở Thái Bình Dương giữa California và Hawaii, đang tồn tại đảo rác thải có diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông - lớn gấp đôi bang Texas (Mỹ), gấp ba lần nước Pháp.
Đảo rác thải Great Pacific có thể khiến nhiều người ngạc nhiên với quy mô và khối lượng rác, nhưng nó được hình thành từ những mảnh nhựa riêng lẻ tích tụ trong lòng đại dương, xuất phát từ những chiếc xe tải đổ rác xuống biển, hay từ những du khách hờ hững vứt chiếc cốc nhựa từ du thuyền khi đang tham gia chuyến du lịch xa xỉ.
Chúng ta không hoặc chưa nhìn thấy rõ hậu quả bởi loại người sống trên cạn, nhưng hậu quả chúng ta tạo ra lại trôi nổi ngoài biển xa. Tuy nhiên, cần ý thức rõ vấn đề: rác nhựa đại dương xuất phát từ chính thói quen tiêu dùng của con người, để rồi hệ sinh thái biển phải gánh chịu hậu quả khó lường.
Mỗi túi nilon trôi dạt trên biển có thể mất đến 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn, trong khi chúng ta chỉ sử dụng mỗi chiếc túi này trong vỏn vẹn 12 phút.
Rác thải nhựa cần nhiều năm để phân hủy hoàn toàn.
Dù túi nilon truyền thống sẽ phân hủy thành nhiều mảnh nhỏ hơn dưới ánh mặt trời, trong quá trình được gọi là phân hủy quang học. Theo thời gian, chúng phân mảnh thành các hạt vi nhựa nhỏ. Hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm, trôi nổi ở khắp đại dương, chui vào hệ tiêu hóa của sinh vật biển.
Khi chúng ta ăn những động vật biển, hạt vi nhựa sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe con người.
Tác hại khôn lường
Các nhà khoa học đã ghi nhận tác động tiêu cực của túi ni lông và các loại ô nhiễm nhựa khác trong đại dương. Kể cả tồn tại ở dạng túi ni lông hay hạt vi nhựa, rác thải nhựa đại dương đều tiềm ẩn mối đe dọa với hệ sinh thái biển, gồm các động thực vật hoang dã dưới lòng biển cùng sức khỏe con người.
Động vật hoang dã, chẳng hạn như rùa biển, có thể chết hoặc bị thương nếu vướng vào rác thải nhựa, trong đó có các loại túi nilon.
Rất nhiều loài động vật biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa, từ chim đến rùa, cá voi và các loại sinh vật biển khác. Chúng ăn phải rác thải nhựa vì lầm tưởng là con mỗi, rồi chết đói do nhựa tích tụ trong hệ tiêu hóa của chúng. Ăn phải nhựa cũng dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề vận động đối với nhiều động vật có vú trên biển và các sinh vật khác.
Năm 2019, các nhà khoa học phát hiện một chú cá voi bị chết và trôi dạt vào vùng biển Midanao (Philippines). Nguyên nhân được cho là bị mất nước và đói sau khi nuốt vào bụng hơn 40kg các loại túi nilon, gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp.
Các nhà sản xuất sử dụng một số hóa chất trong sản xuất vật liệu nhựa mà chúng ta biết là có thể gây ung thư và can thiệp vào hệ thống nội tiết cơ thể. Điều này gây ra các rối loạn về phát triển, sinh sản, thần kinh và miễn dịch ở cả động vật hoang dã và con người.
Các chất ô nhiễm độc hại khác cũng tích tụ trên bề mặt nhựa trong đại dương. Chúng xâm nhập vào lưới thức ăn và có nguy cơ tấn công động vật hoang dã và (khi chúng ăn hải sản) và cả con người. Theo nghiên cứu của hãng kiểm toán Deloitte, hàng năm có tới 1 triệu con chim biển và 100.000 rùa biển cùng các loài động vật có vú đã chết sau khi ăn phải đồ nhựa, hoặc bị mắc kẹt trong các bãi rác thải nhựa chìm nổi ở đại dương.
Tuy nhiên, tác hại của nhựa không chỉ dừng ở mức gây nguy hại đến sức khỏe đơn thuần. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa đại dương có thể gây ra biến đổi khí hậu.
Việc phân hủy rác thải nhựa gây biến đổi khí hậu.
Quá trình phân hủy của nhựa dưới ánh sáng mặt trời thải ra khí nhà kính, giải phóng ra metan và ethylene, với tốc độ ngày càng tăng khi nhựa bị phân thành từng mảnh nhỏ.
Khi con người đốt rác thải nhựa, carbon đen được giải phóng. Đây là loại hóa chất độc hại gây hại cho sức khỏe loài người và tạo ra ô nhiễm không khí. Carbon đen cũng thúc đẩy quá trình nóng lên toàn cầu, lớn hơn tới 5.000 lần so với CO2.
Năm 2019, Trung tâm Luật môi trường quốc tế (CIEL) ước tính quá trình sản xuất và đốt rác thải nhựa sẽ thải ra thêm 850 triệu tấn khí nhà kính vào bầu khí quyển - tương đương với khối lượng khí thải của 189 nhà máy nhiệt điện than. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 2,8 triệu tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm - tương đương của 615 nhà máy nhiệt điện than.
Nguy cơ tại Việt Nam
Theo World Bank, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam.
Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.
"Tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa như hiện nay. Nghiên cứu này chỉ ra rằng các loại nhựa dùng một lần gây ra phần lớn tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và giải quyết tình trạng này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn", bà Carolyn Turk, Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho biết.
Cũng theo World Bank, chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng. 10 loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy. Hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.
Để ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
5 điểm chính trong kế hoạch bao gồm: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển; kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Một trong những mũi nhọn của chiến lược quản lý tổng hợp rác thải nhựa là công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa đại dương, đồng thời hiểu thêm về các chính sách, quy định của nhà nước về vấn đề này.
Rác thải nhựa trên một bãi biển ở Hải Phòng. (Ảnh: Văn Chương)
Tuy nhiên, hoạt động truyền thông về rác nhựa tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Chỉ 2,3% số người được hỏi có biết đến các chương trình, hoạt động của nhà nước trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Công tác thực hiện tuyên truyền kiến thức về ô nhiễm nhựa đại dương cho người dân cũng cần tiến hành thận trọng, phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận, đơn cử trường hợp của các ngư dân.
"Mặt bằng học vấn của ngư dân là yếu tố cần nghiên cứu kỹ, đòi hỏi công tác truyền thông phải linh hoạt, sáng tạo. Chúng ta không thể đem bảng biểu, số liệu, văn bản thuần túy ra để trao đổi với một bộ phận ngư dân, mà cần những cách truyền đạt dễ hiểu hơn", một đại diện Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ với VTC News.
Trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nylon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Để góp phần hỗ trợ các chương trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa của Chính phủ, World Bank đề xuất một Lộ trình chính sách nhằm giảm thiểu sử dụng các loại nhựa dùng một lần (SUP) phổ biến nhất.
Ba loại nhựa hàng đầu là: túi nhựa không phân hủy, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa polystyrene giãn nở (EPS) và ống hút nhựa. Các loại nhựa khác bao gồm nhựa được sử dụng trong các cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú.
Dù vậy, vật liệu làm bằng nhựa dùng một lần có giá thành rẻ, dễ kiếm, đã trở nên quen thuộc trong đời sống người dân. Thúc đẩy sự thay đổi trong thời gian ngắn là mục tiêu khó thực hiện trước mắt.
"Đồ nhựa dễ kiếm, bên cạnh những ưu điểm mà sản phẩm khác khó cạnh tranh được nên các sản phẩm làm từ nhựa vẫn được ưa chuộng. Tôi chỉ thấy dễ kiếm, dễ mua thì sử dụng thôi, khi nào có vật liệu tốt hơn thay thế mà rẻ tương đương thì sẽ dùng", chị N.T.T.H, một tiểu thương tại Hà Nội chia sẻ.
Chống lại quá trình ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam, mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới, đòi hỏi những giải pháp toàn diện và tổng thể.
https://vtc.vn/rac-thai-nhua-dai-duong-moi-de-doa-cua-toan-nhan-loai-ar702209.html