Bãi tập kết rác thải chứa chất gây ung thư, vô sinh... khiến cả thế giới lo sợ đang chềnh ềnh giữa làng tái chế Văn Môn, (Yên Phong, Bắc Ninh).
Đơn vị được phép xử lý các máy biến áp phế thải phải có chuyên môn sâu, được Bộ TN&MT cấp phép, thế nhưng, nhiều hộ dân ở Văn Môn nhiều năm qua vẫn tổ chức thu gom, tập kết loại rác thải nằm trong danh mục chất thải rắn công nghiệp độc hại, đặc biệt nguy hiểm này về khu vực đông dân cư để tái chế.
Khu tập kết máy biến áp hết niên hạn sử dụng ở xã Văn Môn |
Văn Môn là làng nghề tái chế lớn nhất miền Bắc với nhiều loại rác thải được thu gom từ khắp cả nước. Nơi đây có hàng chục xưởng cô nhôm thủ công, tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa ngày đêm nhả khói.
Nhiều hộ dân ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn còn thu gom máy biến áp, rác thải ngành điện về tập kết ở khu đông dân cư, bên cạnh ruộng lúa, chợ để tái chế.
Tại khu vực trung tâm xã Văn Môn, khu đất rộng hàng chục ngàn m2 là “nghĩa địa” tập kết loại rác thải này… Những xác máy biến áp cao chừng 2m còn nguyên logo, nhãn mác ngành điện vứt chỏng chơ hai bên đường.
Dầu thải từ máy biến áp chứa thành phần PCB gây ung thư, rối loạn sinh sản đối với người, động vật |
Đây là các thiết bị phục vụ cho các trạm trung thế cung cấp điện cho các khu công nghiệp, các nhà máy tiêu thụ điện năng lớn. Tuổi thọ trung bình của một máy biến áp khoảng chục năm, sau đó buộc phải thay thế.
Ngoài những bộ phận thiết bị mang tính đặc thù, máy biến áp sử dụng lượng lớn dầu để cách điện. Đây là loại dầu công nghiệp chuyên biệt, có chỉ số PCB nằm trong danh mục chất thải nguy hại.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một đơn vị ở TP.HCM được cấp phép xử lý loại rác thải này |
Anh N.V. Ngọc, một người dân sống liền kề khu "nghĩa địa" này cho biết, ô tô trọng tải lớn đưa máy biến áp quá đát về tập kết tại Văn Môn vào sáng sớm hoặc tối khuya, lúc người dân đang ngủ.
UBND xã Văn Môn chỉ cách bãi tập kết này chừng 500m. Khu đất rộng hàng chục ngàn m2 tập kết máy biến áp phế thải đang được xây dựng trụ sở UBND xã mới.
Văn Môn được biết đến là làng nghề tái chế ô nhiễm nhất cả nước, và cũng là 1 trong 10 làng nghề có tỷ lệ người dân bị ung thư cao nhất nước.
Rác thải từ ngành điện được tập kết về Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh. |
Đầu năm 2018, một vụ nổ kho phế liệu đầu đạn hết hạn sử dụng do hai chủ thu mua phế liệu tại Văn Môn thu gom cũng khiến 2 cháu bé tử vong.
Trước đó, tháng 8/2016, VietNamNet đã có loạt bài phản ánh thực trạng, rác thải y tế được thu mua, tập kết, xử lý và tái chế không đúng quy trình, cũng tại làng nghề Văn Môn. Sau khi VietNamNet phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc, dẹp bỏ cơ sở tái chế này.
Chất thải cả thế giới lo ngại
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho VietNamNet biết, tại Việt Nam, mới chỉ 1 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép xử lý loại chất thải này. Đó là công ty Siam City Cement có trụ sở tại TP.HCM.
“Theo nghị định 38/2015 NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, dầu thải biến áp điện thuộc danh mục chất thải nguy hại, phải được xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có giấy phép xử lý.
Việc chủ nguồn thải chuyển giao máy biến áp chứa dầu (có hoặc không có PCB) cho đơn vị không có giấy phép là sai so với quy định”, ông Hiền cho biết.
Máy biến áp sử dụng dầu cách nhiệt có chứa chất thải PCB gây ung thư, vô sinh... được thế giới khuyến nghị không sản xuất, sử dụng |
Trang thông tin của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết: Polychlorinated biphenyls (PCBs) là một nhóm các hợp chất nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong quá khứ, chủ yếu trong các thiết bị điện nhưng chúng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe.
PCB thuộc trong nhóm 21 chất hữu cơ khó phân hủy (POP) quy định trong Công ước Stockholm yêu cầu phải quản lý an toàn, tiêu hủy an toàn, nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh có thể dẫn đến việc tái chế hoặc tái sử dụng.
Các chất POP nói chung và PCB nói riêng có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người, động vật như gây ung thư, tổn thương gen, hệ thần kinh, hệ miễn dịch, gây rối loạn sinh sản...
Việt Nam là thành viên thứ 14 tham gia Công ước Stockholm từ năm 2002, đã và đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến quản lý POP. Song việc quản lý, xử lý an toàn PCB vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách chưa hợp lý, chế tài chưa đủ mạnh; việc kiểm kê đánh giá hiện trạng về PCB chưa đầy đủ, thường xuyên và hiệu quả; năng lực quản lý còn bất cập, nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về tính nguy hại của PCB, POP còn hạn chế.
Trung Quốc phạt 7.000 USD với việc vi phạm quy định phân loại rác thải |
Australia dùng thùng rác trong suốt để nâng cao ý thức phân loại rác |
Gây quỹ an sinh xã hội nhờ phân loại rác tại nhà |