Quỹ tín dụng muốn cơ chế đặc thù

Nhiều quỹ tín dụng tại TP.HCM cho rằng một số quy định áp dụng cho hệ thống quỹ tín dụng nên tiếp tục được sửa đổi nhằm phù hợp với thực tiễn ở các thành phố lớn.

Huy động giảm vì giới hạn địa bàn

Theo ông Lê Xuân Anh, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân (QTD) Long Phú (quận 9, TP.HCM), hơn một năm trở lại đây, từ khi áp dụng các quy định tại Thông tư 04/2015 (TT 04), hầu hết các quỹ gặp khó khăn trong cạnh tranh huy động vốn.

Cụ thể, quy định mới về điều kiện để trở thành thành viên quỹ là phải có hộ khẩu thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ, thực tế nhiều thành viên tại các quỹ hiện nay đang có hộ khẩu khác địa bàn. Ngoài ra, rất nhiều chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh có tạm trú dài hạn trên địa bàn các quỹ nhưng hộ khẩu thường trú lại ở nơi khác. Vì vậy, khi huy động vốn từ các trường hợp không có hộ khẩu thường trú, các quỹ đều gặp khó khăn. Bởi nếu muốn huy động 1 tỷ đồng vốn từ các khách hàng không phải thành viên thì quỹ phải đảm bảo huy động được 1,2 tỷ đồng từ các thành viên nhằm đáp ứng quy định 60% vốn huy động từ các thành viên.

Bà Dương Quỳnh Nga, Giám đốc QTD An Bình Phú, cũng cho rằng quy định về điều kiện thành viên này cũng đã khiến số lượng thành viên của các quỹ giảm khá mạnh. Nhiều quỹ trước đây có trên 3.000 thành viên giờ chỉ còn lại 300-500 thành viên. Vì thế lượng vốn huy động từ dân cư của các quỹ cũng sụt giảm đáng kể.

Theo báo cáo của Hiệp hội QTD Việt Nam, quy định sàng lọc thành viên từ 30/6/2017, số lượng thành viên của các QTD trên cả nước chỉ còn lại khoảng 1,8 triệu, giảm trên 120 ngàn thành viên so với thời điểm trước khi quy định. Việc này cũng khiến cho lượng vốn huy động của toàn hệ thống QTD trên cả nước chỉ tăng khoảng hơn 7.600 tỷ đồng so với cuối 2016. Nếu tính riêng tại TP.HCM thì con số tăng huy động vốn khá khiêm tốn.

Sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài nút thắt về giới hạn địa bàn như đại diện các QTD nêu ở trên, hiện nay việc cạnh tranh huy động vốn của các QTD tại TP.HCM cũng khá khó khăn. Bởi các NHTM hiện có rất nhiều chính sách hậu mãi, mời chào lãi suất cạnh tranh với các QTD, buộc lãi suất huy động của QTD luôn phải cao hơn để giữ chân người gửi tiền. Thêm vào đó, với quy định phải đóng góp vốn xác lập tư cách thành viên 300.000 đồng/năm và mỗi năm phải duy trì vốn góp thường niên thêm 100.000 đồng/thành viên, người gửi tiền sẽ tính toán thiệt hơn khi tham gia gửi vốn.

Theo lập luận của đại diện các QTD tại TP.HCM, trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, những kiến nghị về cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM cũng đã được Chính phủ xem xét áp dụng. Việc mở rộng các khu đô thị mới tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng khiến cho số lượng người dân không có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường cư trú tăng lên. Các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có trụ sở, gắn bó lâu dài tại địa phương nhưng lại có hộ khẩu thường trú ở nơi khác trở nên khá phổ biến. Nếu bắt buộc phải có hộ khẩu, mới có thể trở thành thành viên của các QTD để vay vốn với chi phí thấp, trong khi các loại hình tín dụng khác cạnh tranh khốc liệt vào địa bàn làm giảm khả năng cạnh tranh của các QTD

Thừa nhận thực tế này, bà Vũ Thị Kim Oanh, Trưởng phòng quản lý các TCTD và hoạt động ngân hàng thuộc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, quy định giới hạn địa bàn tại TT 04 đang tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các QTD trên địa bàn. Tuy nhiên, bà Oanh thông tin trong dự thảo Đề án phát triển QTD đến năm 2030, hiện NHNN cũng đưa ra điều khoản là “tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung TT 04” cho phù hợp với thực tế.

Đồng thời bà Oanh cũng cho biết, việc giữ nguyên tư cách thành viên đối với các trường hợp gia nhập các QTD trước ngày 1/6/2015 (trước khi TT 04 có hiệu lực) sẽ được thực hiện mà không áp dụng hồi tố theo quy định của TT 04. Việc này sẽ tạo điều kiện để các quỹ ổn định số lượng thành viên trước khi NHNN có những sửa đổi chính thức đối với TT 04.

Theo văn bản trả lời các QTD, NHNN lý giải việc sửa đổi điều kiện “cư trú” thành “có hộ khẩu và thường trú” đối với thành viên QTD tại TT 04 là thực hiện theo Chỉ thị 57-CT/TW (10/2000) của Bộ Chính trị nhằm ngăn hiện tượng gia tăng thành viên “tạm trú” chi phối, lạm dụng, biến tướng quỹ vào các hoạt động kinh doanh khác. Từ đó tạo ra rủi ro trong việc theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ và giảm tính liên kết giữa các thành viên quỹ, khiến các quỹ xa rời mục tiêu huy động tại chỗ, cho vay tại chỗ của mình.

/ Theo Thời báo Ngân hàng