Các quỹ thu theo hình thức xã hội hóa có phải là “nồi cơm” của các bộ ngành hay cũng là một hình thức lạm thu như báo chí phê phán ngành Giáo dục?
“Ngân sách nhà nước là một dòng sông chảy luân chuyển đã cạn nước nhưng hồ lớn, hồ nhỏ xung quanh thì giữ nước lại. Như vậy là phân tán nguồn lực” là câu nói ví von của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thực trạng ngân sách nhà nước và việc thu chi của các quỹ ngoài ngân sách (tổng cộng Việt Nam có 48 quỹ đang hoạt động).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng “Việc thành lập và hoạt động của các quỹ trong thời gian qua góp phần thúc đẩy xã hội hóa, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.
“Xã hội hóa” là cách nói luôn được tận dụng, thực ra bên cạnh việc đóng thuế, nhiều khoản thu mà người dân phải đóng góp cũng không khác mấy so với thuế, chẳng hạn mua nước sạch của các công ty cổ phần kinh doanh nước, người dân ngoài tiền nước còn phải nộp thuế giá trị gia tăng 5% và “Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt 10%”.
Ngay từ năm 2017, mua 12 mét khối nước của Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, người dân phải trả 73.834 đồng, thuế giá trị gia tăng 3.692 đồng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 7.383 đồng.
Nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp nước cho một phần cư dân Hà Nội có công suất 300.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1), cứ cho rằng đến người tiêu dùng còn khoảng 250.000 m3, giá bán 10 m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3, tiếp theo là 7.052 đồng,…
Số tiền thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt một năm sẽ không dưới 60 tỷ đồng. Thế vì sao nước sông Tô Lịch vẫn đen ngòm và bốc mùi khủng khiếp?
|
|
Ảnh biếm họa trên Tienphong.vn. |
Vậy “Phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt” đi đâu? Câu trả lời có thể thấy từ phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh:
“Chi cho những hoạt động không phải của quỹ mà chi cho chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở chính quyền địa phương, chi cho tuyên truyền, quảng cáo, chi cho tổ chức bộ máy… Có quỹ chi không hết còn gửi ngân hàng”.
Thông tin cho hay năm 2019 nợ công dù giảm vẫn lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Nhưng tiền làm ra vẫn không đủ để trả nợ, cho nên Chính phủ vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ. [2]
Cứ cho rằng dân số Việt Nam đã đạt con số 100 triệu người, tính bình quân (kể cả trẻ mới sinh) mỗi người gánh số nợ khoảng 32 triệu đồng.
Ghé mắt trông sang, cái bang sao đông thế! |
Ngân sách cạn như thế nhưng các quỹ thì lại đầy tiền, bằng chứng là hai cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) và Nguyễn Huy Ban cùng 4 đồng phạm là cán bộ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông đồng mang tiền quỹ bảo hiểm xã hội cho vay gây thất thoát tới 1.700 tỉ đồng.
Nếu năm 2012 quỹ Bảo hiểm y tế chỉ mới kết dư (thừa tiền, không sử dụng hết) 12.000 tỷ đồng thì năm 2017, quỹ này kết dư tới 39.000 tỷ đồng.
Một bài viết trên Cổng thông tin Thư viện Quốc hội - Văn phòng Quốc có tiêu đề: “Bảo hiểm y tế: Dân nghèo hóa, quỹ kết dư” nêu kết luận: “Nghèo hóa khi khám chữa bệnh là nguy cơ đối với một bộ phận người dân Việt”.
Cũng là chuyện “sông cạn, hồ đầy”, nhưng là chuyện sông thật và hồ thật. Hai dòng sông chính bồi tạo nên đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ là sông Cửu Long, sông Hồng đang vật vã bởi “khát nước”,…
Trước tình trạng sông Hồng cạn trơ đáy nhiều năm liền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đề xuất xây dựng 5-7 đập dâng trên sông Hồng, nhằm nâng mực nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy, xử lý môi trường, tăng mực nước ngầm… nhưng không ảnh hưởng đến thoát lũ.
Ngoài các đập thủy điện, thêm 5-7 đập dâng, liệu sông Hồng có còn là sông Hồng hay biến thành hồ chứa nước?
|
|
Sông Hồng dưới chân cầu Long Biên (Ảnh chưa rõ tác giả) |
Cùng với các dòng sông khát nước, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều dòng sông đang chết dần như sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Thị Vải,…, Những dòng sông này không chết vì khát mà vì … bẩn.
Bẩn từ rác thải sinh hoạt đến rác thải công nghiệp, nhưng “bẩn” nhất là ý thức con người sống bên các dòng sông và những người chịu trách nhiệm bảo vệ các dòng sông.
Một tài liệu của Cục quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu cảnh báo: “2.000 con sông đứng trước nguy cơ chết”.
Từng có người đưa ý kiến chi hàng trăm tỷ đồng bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây rồi tháo nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch để giảm ô nhiễm cho Hà Nội.
Nếu đề xuất được thực hiện, liệu có xảy ra chuyện nước bẩn từ sông Tô Lịch sẽ dồn sang sông Nhuệ, sông Nhuệ hợp lưu với sống Đáy, đoạn chảy qua Phủ Lý - Hà Nam?
Đây là cách nghĩ của Tổng Giám đốc một công ty công ích của Hà Nội chứ không phải của người thiếu hiểu biết.
Chính quyền đã và đang làm gì để cứu những dòng sông có nguy cơ chết là câu hỏi không chỉ dành cho ngành Tài nguyên Môi trường mà còn hàng loạt ngành khác như Nông nghiệp, Y tế, Xây dựng,…
Sông khát và đang chết dần trong khi hồ ao tại các khu đô thị lại bị đầy ứ nhưng không phải nước mà là … đất, là các công trình cao tầng mọc lên bằng cách lấp ao, hồ bất chấp quy hoạch.
Nói chính xác, cho phép lấp ao hồ để xây khu đô thị là tầm nhìn nông cạn của cơ quan quản lý, của những người làm kiến trúc nhưng lại cố ý băm nát quy hoạch chỉ vì cái lợi trước mắt không phải cho cộng đồng mà cho phe nhóm, cánh hẩu của mình.
Con người với chiếc bè trên lưng (2): Đã là củi, phải cho vào lò |
Một vị lãnh đạo ngành Giáo dục từng ví đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các cơ sở giáo dục đại học.
Vậy các quỹ thu theo hình thức xã hội hóa có phải là “nồi cơm” của các bộ ngành hay cũng là một hình thức lạm thu như báo chí phê phán ngành Giáo dục?
Lần đầu tiên, các lãnh đạo của Quốc hội đã động chạm đến “nồi cơm” của các bộ, ngành bằng cách đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ ngay hàng loạt quỹ:
Quỹ bảo trì đường bộ; Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; Quỹ bảo trì đường bộ,…
Bỏ quỹ thu nhiều chi ít chỉ là một trong những biện pháp là nhằm “Khoan thư sức dân”, cũng chính là để “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Có thể thấy từ những việc nhỏ như không dùng chai nhựa đựng nước tại trụ sở Quốc hội đến việc lớn như đề xuất bãi bỏ nhiều quỹ ngoài ngân sách, Quốc hội đang thể hiện đòi hỏi của dân chúng về một nhà nước minh bạch, tiết kiệm và thượng tôn pháp luật.
Hy vọng thời gian tới, sẽ còn nhiều quyết định hợp lòng dân được Quốc hội và các cơ quan Đảng, nhà nước công bố.
Hy vọng những dòng sông đang chết sẽ được hồi sinh, để câu thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến không phải là những câu thơ buồn:
“Mùa này sông cạn nước; Qua sông không cần đò; Em còn đi chợ sớm; Lội qua miền tương tư”./.
Chi ngân sách gần 50 tỷ đồng khai quật tàu cổ, thu về… toàn mảnh vỡ |
41 ngàn tỷ tiền nợ, ngân sách không thể thu hồi, xóa cho sạch sổ |
Nhiều bộ, ngành ngó lơ công khai ngân sách |