- Nhiều quy định mới về quản lý và sử dụng giấy phép lái xe
- Trừ điểm giấy phép lái xe: Công bằng và nhân văn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý văn minh, sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức người lái phương tiện.
Nội dung trên được đề cập tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến vào chiều 22/5.
Trình bày báo cáo về điểm của giấy phép lái xe, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của giấy phép lái xe.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: quochoi.vn)
"Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta. Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe", ông Lê Tấn Tới nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Đồng thời, tại dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe và quy định lộ trình thực hiện Điều này.
Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý Nhà nước vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải. (Ảnh: quochoi.vn)
Ông Mai Văn Hải nêu rõ, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Đồng thời, theo đại biểu, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.
"Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Về về bản chất, đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính", đại biểu đoàn Thanh Hóa nói.
Cùng quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhìn nhận, quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe có hai vấn đề cần quan tâm làm rõ và bổ sung.
Cụ thể, cần làm rõ đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám. (Ảnh: quochoi.vn)
"Tôi cho rằng đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào dự thảo luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe", đại biểu nêu.
Một vấn đề nữa được ông Tô Văn Tám đề cập là với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm. Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực hay không?
Vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực, khi được phục hồi đủ 2 điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại.