Quốc tế nỗ lực tìm giải pháp cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Quốc tế đang triển khai nhiều nỗ lực nhằm cứu vãn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen để tạo tuyến đường vận chuyển ngũ cốc an toàn tới Trung Đông và châu Phi, giúp nông sản và phân bón của Nga và Ukraine tiếp cận dễ dàng với thị trường quốc tế, ngăn chặn nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lương thực.

Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu về ngũ cốc, dầu hướng dương cũng như nhiều loại hàng hóa mà các nước đang phát triển cần đến. Đáng buồn, việc lưu thông những mặt hàng này qua Biển Đen để đến các khu vực khác của thế giới đã bị gián đoạn sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine leo thang. Được ký kết ngày 22/6/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực hồi tháng 7/2022, gần 33.000 tấn ngũ cốc đã được xuất cảng từ Ukraine. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tháng 7/2023, Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen từ ngày 17/7.

Nhằm nối lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Liên hợp quốc mới đây đã đưa ra một loạt đề xuất, tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin. Theo đó, Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng khởi động đàm phán để giải phóng tài sản của các nhà sản xuất thực phẩm Nga, những công ty có tài sản bị châu Âu phong tỏa. Việc kết nối lại Ngân hàng Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng nằm trong số các đề xuất của Liên hợp quốc.

1.jpg -0
Vận tải lương thực qua Biển Đen gián đoạn sau khi Nga rời thỏa thuận ngũ cốc. Ảnh minh họa Reuters.

Ngoài ra, Liên hợp quốc còn đề xuất đánh giá thiệt hại đối với đường ống dẫn khí amoniac của Nga đã bị phá hoại trong cuộc chiến Nga - Ukraine, tiến tới phục hồi hoạt động của đường ống này. Bên cạnh đó, dự án cung cấp ngũ cốc Nga chế biến tại Thổ Nhĩ Kỳ cho các nước có nhu cầu đang thu hút sự chú ý. Quá trình này được cho là sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Qatar. Nga trước đây đã đề xuất một sáng kiến như vậy.

Trước đó, Văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, ông Guterres đã gửi thư tới Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đề xuất các biện pháp cụ thể để khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, giúp nông sản và phân bón Nga dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu của Nga. “Chúng tôi đã trình bày một loạt đề xuất cụ thể trong một lá thư được gửi tới Ngoại trưởng Nga. Chúng tôi có một số giải pháp cụ thể cho các mối quan tâm cho phép tiếp cận thực phẩm Nga hiệu quả hơn và phân bón cho thị trường toàn cầu với giá cả hợp lý. Tôi tin rằng, chúng ta có thể có một giải pháp tích cực cho mọi người, cho Ukraine, cho Nga và nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn liên quan đến việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân”, theo Văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Đáng chú ý, giới chuyên gia kỳ vọng, vấn đề này sẽ là một trong những trọng tâm được thảo luận tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong ngày 4/9 tại khu nghỉ dưỡng Sochi, Nga. Dù vẫn giữ liên lạc một cách thường xuyên, song đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Moscow rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hai bên sẽ chủ yếu tập trung thảo luận về khả năng cho phép xuất khẩu ngũ cốc trở lại qua các cảng trên Biển Đen. Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga thông báo, hai bên sẽ thảo luận thêm về các hợp tác song phương cùng có lợi, cuộc xung đột Nga – Ukraine, cùng vấn đề Syria.

Hội nghị tại Sochi diễn ra sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31/8, trong đó, Moscow đưa ra danh sách những hành động mà phương Tây cần thực hiện để việc xuất khẩu qua Biển Đen được tiếp tục. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 2/9 cũng đã có các cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp của lãnh đạo hai nước.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh: “Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho thấy nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Thoả thuận được chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khởi xướng và sự đổ vỡ của văn kiện ngày hôm nay không phải là lỗi của Nga. Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu tất cả các cam kết đối với Nga được tôn trọng, thì thoả thuận sẽ được gia hạn. Tuy nhiên điều này dường như còn khó hơn là việc xây dựng những hành lang mới, những tuyến đường vận chuyển mới”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, điều đã góp phần đi đến Sáng kiến ngũ cốc Biển đen hồi năm ngoái: “Chúng tôi đã giải quyết thành công những vấn đề quan trọng nhất trong nhiều năm và chúng tôi luôn cho thấy thiện chí chính trị nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó khăn nhất. Điều này cho chúng ta thấy mối quan hệ được điều chỉnh sâu sắc và mang tính chiến lược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Là một trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cùng với Liên hợp quốc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ thuyết phục Tổng thống Nga ra quyết định quay trở lại thực thi thỏa thuận. Sau đó, ông Erdogan sẽ thảo luận với các đối tác đồng minh phương Tây của mình. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng như trước đây khi mối quan hệ Nga – Thổ đang đứng trước một số thử thách. Nga tỏ ra không mấy lạc quan trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang ấm lên, cũng như không hài lòng việc Thổ Nhĩ Kỳ “qua mặt” Moscow thả binh sĩ Ukraine mới đây. Hơn nữa, Tổng thống Nga từng nêu quan điểm mang tính nguyên tắc về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là phương Tây cần có những đảm bảo rõ ràng hơn là những lời hứa hẹn.

“Các nước phương Tây sẽ không giữ lời hứa với chúng ta. Một trong những lựa chọn cho tương lai không phải là gia hạn thỏa thuận ngũ cốc trước rồi sau đó họ mới giữ lời hứa, mà họ phải giữ lời hứa trước. Ý tôi là gì? Chúng ta đình chỉ tham gia thỏa thuận. Hãy để họ thực hiện lời hứa trước rồi chúng ta sẽ ngay lập tức tái tham gia”, ông Putin nhấn mạnh.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/quoc-te-no-luc-tim-giai-phap-cho-sang-kien-ngu-coc-bien-den-i706027/

Tiến Dũng / cand.com.vn