Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có ý nghĩa quan trọng cho cả TP.HCM và phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP.HCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là đúng đắn và cần thiết.
Ba vấn đề cần làm ngay
Trả lời VTC News, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu ra 3 vấn đề cần làm ngay trong Nghị quyết mới này.
"Nghị quyết đã thông qua có nhiều điểm rất tốt cho TP.HCM. Bây giờ, vấn đề là chúng ta cần phải triển khai, đưa nó đi vào thực tế cuộc sống. Trong 44 nhóm chính sách, 7 nhóm cơ chế lớn, có những nội dung rất mới, mang tính đột phá.
Trong những chính sách này, tôi cho rằng có mấy vấn đề TP.HCM phải làm ngay, làm bài bản, bên cạnh những cái phải triển khai từng bước.
Vấn đề cần làm ngay, theo tôi, phải là chính sách về đất đai. TP.HCM phát triển các đường vành đai, phát triển đô thị, mà đất đai ở TP.HCM không chỉ chăm chăm vào đất đô thị, đất ở những quận có số, mà còn có các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... Đó là những nguồn lực rất lớn cần được tháo gỡ, một là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), hai là cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Thứ hai là về con người. Chúng ta đừng đi sâu vào vấn đề TP.HCM được thành lập sở này, sở kia, hay được quyết bao nhiêu phó chủ tịch. Riêng về nhân sự và con người nên để TP.HCM tự quyết, bởi con người sẽ giải quyết được mọi vấn đề.
Đại biểu Trịnh Xuân An.
Thứ ba, trong cách thức huy động đầu tư, dù dự thảo nghị quyết đã đưa ra về cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nhưng theo tôi cần phải có thêm chính sách BT mạnh hơn cho Thành phố. Dĩ nhiên, BT cần được làm với cơ chế công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát để tránh việc lạm dụng, lợi dụng, tránh sai phạm.
Chỉ có triển khai mạnh mẽ, đồng bộ thì đến năm 2030, TP.HCM mới trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á", ông An nói.
Tạo cơ chế để "cá chép hoá rồng"
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, có vai trò quan trọng trong điều phối chuỗi liên kết giữa các vùng kinh tế, đồng thời cũng là địa phương chịu nhiều tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Vì vậy, việc kịp thời có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của Thành phố chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng và của cả nước.
Đại biểu Hiếu cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho TP.HCM rất nặng nề và buộc TP.HCM phải có những bước đột phá hết sức mạnh mẽ.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình).
Muốn làm được điều này, Thành phố cần đặc biệt lưu ý là bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, chú trọng đến tốc độ triển khai nghị quyết. Cách làm và xây dựng nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.
"Ngoài ra, cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Như vậy, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, không nên quá dàn trải. Nếu nguồn lực bị phân tán, năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên không hiệu quả", đại biểu Hiếu nhấn mạnh.
Tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của TP.HCM chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng và của cả nước. (Ảnh: Chinhphu.vn).
Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, các giải pháp phải hướng đến những địa chỉ cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào, thời gian dự kiến bao lâu, quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Đồng thời, TP.HCM nên hạn chế việc huy động nguồn lực, trong đó có huy động trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp.
“Nên hạn chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp. Mặc dù là giải pháp có mục tiêu tốt nhưng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì doanh nghiệp và người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn, không nên tạo áp lực thêm cho họ. Điển hình như việc thu phí và lệ phí tại các trạm BOT hoặc thu phí để nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất… Việc thu phí là mục tiêu tốt, nhưng nếu chúng ta huy động quá lớn nguồn lực trong dân thì người dân, doanh nghiệp rất vất vả. Thậm chí, sẽ gặp phản ứng tiêu cực từ người dân, doanh nghiệp thì rất bất lợi”, ông Hiếu nói.
Về cơ chế huy động nguồn lực con người, đại biểu Hiếu cho rằng, bên cạnh thu hút nhân tài mới, cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.
“Hiện nay, chúng ta đặt ra 44 giải pháp để thúc đẩy phát triển TP.HCM nhưng tôi cho rằng, cần phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước sẽ thực sự tạo động lực phát triển mới cho TP.HCM, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước”, đại biểu Hiếu cho biết thêm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù của TP.HCM trong giai đoạn mới này là vô cùng cần thiết.
"Có thể nói, TP.HCM những năm qua cũng đã được áp dụng cái cơ chế đặc thù. Tuy nhiên tất cả những cơ chế đấy với TP.HCM hiện nay như tấm áo đã chật với cơ thể tương đối vạm vỡ", đại biểu Nga cho biết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.
Chính vì vậy đòi hỏi có một sự đổi mới hơn thế và trong Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù của TP.HCM. Khi nghị quyết được thông qua, hy vọng TP.HCM sẽ sớm bắt tay vào để triển khai, tránh trường hợp là nghị quyết ban hành nhưng cứ để đấy. Khi đã có chính sách rồi mà không triển khai được hoặc triển khai không hiệu quả thì đấy là lãng phí chính sách.
"Chính bởi vậy, chúng tôi mong muốn TP.HCM sẽ tập trung toàn lực để trong một khoảng thời gian có hạn với rất nhiều nhiệm vụ bộn bề, Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực, kể cả về nhân lực, vật lực để triển khai cho hiệu quả, phát triển TP.HCM lên tầm cao mới, đúng như kỳ vọng của nhân dân cũng như là của các đại biểu Quốc hội", đại biểu Nga nói.