Quốc hội đồng ý cho Chính phủ chuyển ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công và bổ sung 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Với tỉ lệ biểu quyết 91,72% tán thành, sáng nay (19/6), Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Kết quả biểu quyết |
Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, ba dự án thành phần được chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.
Đó là dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Quốc hội giao Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.
Hạn chế tác động đến nợ công và trần nợ công
Trước khi thông qua, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo.
Ông Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ 5 dự án thành phần còn lại có phải tiếp tục chuyển đổi trong thời gian tới không.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
UB Thường vụ Quốc hội cho hay, mặc dù 5 dự án còn lại đều có từ hai nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên chưa thể khẳng định việc đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà đầu tư do còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu.
Ngoài ra, trong trường hợp có nhà đầu tư trúng thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải hủy hợp đồng, tịch thu bảo lãnh và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc tham gia đấu thầu của nhà đầu tư và việc quyết định cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được thực hiện theo cơ chế thị trường, phụ thuộc chủ yếu vào tính hấp dẫn, mức độ rủi ro của từng dự án...
Do vậy, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ông Thanh cũng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khi chuyển đổi ba dự án nói trên.
Theo UB Thường vụ Quốc hội dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công.
Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công.
Về phương án thu hồi vốn, Chủ nhiệm UB Kinh tế cho hay, đối với ba dự án thành phần sau khi chuyển đổi sang đầu tư công sẽ tiếp tục tổ chức xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Do đó, tại dự thảo Nghị quyết đã quy định đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương.
Thu Hằng
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Chuyển đổi hình thức đầu tư để kích cầu
Hôm qua (9.6) Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường ... |
Kiến nghị 3 phương án đầu tư "đại dự án" cao tốc Bắc - Nam
Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội xem xét 3 phương án đầu tư “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam, trong đó vẫn ... |