“Quốc gia săn mồi” và nguy cơ bị thâu tóm kinh tế

Giới chính trị gia châu Âu ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị thâu tóm kinh tế. Quả thực, châu Âu ngày nay là mục tiêu của các “quốc gia săn mồi”, tìm kiếm sự tự chủ chiến lược, sự thống trị về địa chính trị và quyền lực tối cao về kinh tế. Sự “săn mồi kinh tế” này đặc biệt thể hiện qua việc kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực công nghiệp hoặc công nghệ.

Điểm mặt các nhà tài phiệt

Theo Francois-Xavier Carayon, chuyên gia tư vấn chiến lược người Pháp, thì “săn mồi kinh tế” là một hiện tượng đã xuất hiện từ lâu, gắn liền với quá trình toàn cầu hóa. Trước đây, các quỹ đầu tư chính phủ là các công cụ cổ điển của các quốc gia được hưởng lợi từ nguồn thu năng lượng, đặc biệt là ở Trung Đông. Đây là cách để tạo ra một quỹ tiết kiệm liên thế hệ hoặc để làm giảm nhẹ các biến động thu nhập khi giá nguyên liệu thô thay đổi. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước từ lâu nay chỉ thực hiện vai trò cung cấp các dịch vụ công.

Tuy nhiên, dần dần, 2 tác nhân này đã được các cường quốc mới nổi - như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, các quốc gia Trung Đông... nhận thấy là những công cụ phục vụ các mục tiêu công nghiệp và địa chiến lược của quốc gia họ. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các quỹ đầu tư chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước với chính phủ đã tạo ra sự gắn kết tất yếu với những lợi ích công. Do vậy, chính phủ có thể đảm bảo rằng những hoạt động đầu tư này có thể làm thỏa mãn các lợi ích quốc gia.

“Quốc gia săn mồi” và nguy cơ bị thâu tóm kinh tế -0
Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ là nơi đầu tiên cảnh báo về hoạt động “săn mồi” của Bắc Kinh.

Lấy ví dụ, Trung Quốc - quốc gia có thể được coi là hình mẫu của một “quốc gia săn mồi” - đã triển khai chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào ngành bán dẫn những năm 2010. Năm 2014, Bắc Kinh đã thành lập một quỹ đầu tư chính phủ chuyên biệt ngay sau khi vạch ra một lộ trình chiến lược. Sau đó, họ bắt đầu tiến hành mua lại các công ty lớn tại Mỹ vào năm 2016, 2017, cho đến khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) bắt đầu cảnh báo về những động thái này. Điều tương tự cũng xảy ra ở Pháp, khi Tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Unigroup) của Trung Quốc mua lại Công ty Linxens, một nhà sản xuất linh kiện cho thẻ chip, vào năm 2018, với giá 2,2 tỷ euro. Ví dụ này cho thấy đó không chỉ là hoạt động kinh tế mang lại sự thịnh vượng quốc gia, mà còn mang bản chất địa chiến lược.

Các “hoạt động săn mồi” địa chiến lược đặc biệt nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. 14 cảng biển châu Âu nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc và không chỉ là các khoản đầu tư về tài chính mà còn là các hoạt động đầu tư mang tính chiến lược. Mạng lưới điện và khí đốt của châu Âu cũng có một phần nằm dưới sự kiểm soát của doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là ở Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Vương quốc Anh. Ngoài trường hợp của Trung Quốc, trong lĩnh vực hàng hải, Singapore cũng đã thâu tóm một số lượng tài sản nhất định trên khắp thế giới, kể cả ở châu Âu, như ở Bỉ, Hà Lan và Italy.

Vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng khi một “quốc gia săn mồi” có mức độ ảnh hưởng lớn trong một lĩnh vực nhất định. Thông qua hoạt động đầu tư, quốc gia đó có khả năng răn đe, cho dù đây không phải là công cụ hoàn hảo nhưng vẫn góp phần gây sức ép lên mối quan hệ chiến lược giữa các quốc gia.

Có điều, chúng ta thường có xu hướng chú ý đến Mỹ hay Trung Quốc - những cường quốc và được cho là có khả năng - nhưng thực tế hoạt động săn mồi này đang lan ra toàn cầu và các quốc gia khác cũng đang thực hiện. Ngoài Singapore vừa nhắc đến ở trên với 2 quỹ đầu tư chính phủ lớn là GIC và Temasek, thì mô hình này cũng đã được ghi nhận ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và tất nhiên là ở các quốc gia Vùng Vịnh giàu có.

Chống cự yếu ớt

Đức được cho đang là mục tiêu hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khao khát sức mạnh công nghiệp của nước này. Việc công ty Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka vào năm 2016 đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho nước Đức. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn gặp khó khăn trong việc bảo vệ các công ty chủ lực của mình, do đã mất đi nhiều công ty vừa và nhỏ. Vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, Đức đã mất hầu hết các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bị các đối thủ cạnh tranh chủ yếu là Trung Quốc thâu tóm.

Những lĩnh vực chiến lược bị nhắm đến nhiều nhất, và danh sách của chúng ngày càng dài ra, đó là: robot, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... Theo Francois-Xavier Carayon, điều quan trọng là cần nhận thức được rằng các hoạt động đầu tư nước ngoài không phải là nguyên nhân dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa ở châu Âu. Các hoạt động đầu tư nước ngoài chủ yếu lợi dụng sự suy yếu về cơ cấu của ngành công nghiệp châu Âu và tổng thể nền kinh tế của châu lục này. Chính vì rất nhiều chủ thể kinh tế đang gặp khó khăn nên những nhà đầu tư nước ngoài này mới có thể thâu tóm.

Và, chính vì hệ sinh thái tài chính của châu Âu chưa phát triển đủ vững mạnh nên nó không thể tạo ra đối trọng để tạo ra các lựa chọn đầu tư thay thế.Liên minh châu Âu phần nào nhận thức được điều này và đã áp dụng một hệ thống chọn lọc đầu tư. Tuy nhiên, đây không thực sự là một hệ thống mà là một công cụ hợp tác giữa các quốc gia thành viên và cho phép chia sẻ thông tin. Về cơ bản, nó không thể ngăn chặn hoạt động đầu tư nước ngoài vào châu Âu và ở thời điểm hiện tại, nó giống như một hệ thống mang tính hình thức hơn là một công cụ thực sự hiệu quả.

Về phần mình, các quốc gia châu Âu bắt đầu hành động và các biện pháp chọn lọc đầu tư đang được tăng cường tại mỗi quốc gia. 5 năm trước, chỉ 1/4 các quốc gia châu Âu có hệ thống như vậy, còn giờ đây, con số này đã tăng lên 2/3 các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, các phương tiện được triển khai vẫn chưa tương xứng với yêu cầu. Để so sánh, có thể thấy ngân sách của CFIUS lớn hơn ngân sách của cơ quan tương đương tại Pháp khoảng 30 lần.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/quoc-gia-san-moi-va-nguy-co-bi-thau-tom-kinh-te-i755655/

PV / CAND