Quay cuồng trong xa xỉ

Trong năm 2017, theo báo cáo tổng quan của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng cả nước đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 65%. Có vẻ như câu hỏi người Việt lấy đâu ra tiền để mua sắm, làm đẹp, du lịch… sang chảnh thế đã có câu trả lời từ số liệu thống kê này: Vay tiêu dùng đang bùng nổ.

Tín dụng tiêu dùng có đà tăng trưởng từ cuối năm 2015, tiếp tục tăng mạnh vào năm 2016 và có vẻ như bùng nổ vào năm 2017. Nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao tới mức riêng trong năm 2017, số lượng công ty tài chính đã tăng gấp 3 lần giai đoạn trước đây.

Trở lại với số liệu trong báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong con số hơn 1 triệu tỉ đồng của tín dụng tiêu dùng năm 2017, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính 52,9%, tăng 76,5%; cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%...

Nguyên nhân chính có lẽ là chưa bao giờ, vay tiêu dùng lại dễ dàng như bây giờ. Với định chế là các công ty tài chính hiện nay, không cần thế chấp chỉ cần có chứng minh thư và bản chứng minh thu nhập, khách hàng đã có thể mua sắm thượng vàng hạ cám và đi du lịch thả phanh. Bởi vậy mà bất chấp lãi cao, nhiều người Việt đang đổ xô mua điện thoại, tivi, máy tính, thậm chí là làm đẹp, du lịch… bằng cách trả góp (thực chất là vay trả dần hàng tháng với lãi suất cao).

Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của tín dụng tiêu dùng trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Lợi ích của vay tiêu dùng đã phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đời sống, giải quyết khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập trung bình, nhất là với công nhân, lao động phổ thông… Hơn nữa, tín dụng tiêu dùng cũng góp phần vào giảm thiểu tình trạng vay lãi từ “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, có vẻ như vay tiêu dùng đang bị lạm dụng để thể hiện “đẳng cấp”, một sự “vung tay” quá đà của nhiều người. Ví dụ mua một chiếc điện thoại phù hợp với khả năng chi trả là một nhu cầu thiết yếu, nhưng vay tiêu dùng để mua một chiếc smartphone đời mới đắt tiền, vượt quá khả năng thu nhập thì lại là một xu hướng tiêu dùng xa xỉ không phù hợp…

Sự xa xỉ của người Việt đang ngày càng trở thành một cuộc chạy đua. Cách đây mấy tháng trên trang cá nhân, ông Steve Jackson - một người Anh đang là giám đốc dự án truyền thông của một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã có một bài viết đặt ra câu hỏi: Không hiểu họ lấy tiền đâu để đi du lịch, ở resort, sắm đồ hiệu nhiều đến vậy? Trong khi theo ông này, lương của người Việt chỉ bằng một phần nhỏ so với đồng nghiệp nước ngoài, nhưng ông lại khá bất ngờ khi chính họ luôn khoe ảnh đi chơi, đi nghỉ trong resort cao cấp - những nơi mà bản thân ông cũng chưa dám đặt chân tới. Ông Steve Jackson còn nói về những cô gái trẻ mới chỉ đang là thực tập sinh đã dùng hàng hiệu…

Câu chuyện của ông Steve Jackson chỉ là một trong số nhiều nỗi kinh ngạc của không ít người nước ngoài về cách tiêu dùng xa xỉ của không ít người Việt Nam hiện nay. Cách đây vài tháng một tờ báo của Nhật cũng đã đưa câu chuyện về một bà mẹ Việt đã chi hơn 10 triệu đồng chỉ để mua quần áo cho một đứa con học tiểu học tại một nhãn hàng quốc tế mới khai trương tại Việt Nam…

Trong thực tế năm 2017 vừa qua, khi một số hãng thời trang và các nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến cảnh xếp hàng thanh toán của người Việt với những hoá đơn lên tới vài chục triệu đồng. Mà đáng kinh ngạc là cảnh tượng ấy không chỉ diễn ra trong ngày khai trương, các trung tâm thương mại nơi có các nhãn hàng như Zara, H&M… vừa tràn vào Việt Nam đã tắc nghẽn khu vực thử đồ và thanh toán tới cả hàng tháng trời.

Trở lại với câu chuyện tín dụng tiêu dùng, trước đây vẫn thường được hiểu chỉ để dành cho các sản phẩm như vay mua nhà, mua xe, mua điện thoại, ti vi, máy tính…, nay nó đã lan sang các lĩnh vực khác như làm đẹp và du lịch… Mua tour cũng trả góp, thẩm mỹ cũng trả góp… Chỉ cần trả trước 30% là có thể khởi hành vi vu tới vùng đất nào đó cũng như tương tự, trả 30% là có quyền nâng cấp mắt, mũi, môi, ngực…Tất cả các quảng cáo cho các dịch vụ tín dụng tiêu dùng đều đưa ra những con số hấp dẫn như lãi suất 0%, hoặc mỗi tháng chỉ cần trả từng này, từng kia trong thời hạn bao lâu đó. Hầu như các khách hàng đều ít khi đọc rõ các điều khoản trước khi đặt bút ký.

Ví dụ lãi suất 0 đồng thực chất chỉ áp dụng cho 1 vài tháng đầu tiên. Hoặc trong trường hợp họ quy định mua trả góp một sản phẩm 38 triệu, trả trước 30% là 11,4 triệu đồng, còn lại mỗi tháng phải trả 1,6 triệu đồng trong vòng 2 năm. Như vậy sau 24 tháng số tiền phải trả là 38,4 triệu đồng, cộng với 11,4 triệu trả từ ban đầu, sản phẩm không còn là 38 triệu nữa, nó đã thành 49,4 triệu đồng. Lãi suất tính ra như vậy lên tới mấy chục phần trăm. Nhưng lại hầu như không khiến người tiêu dùng băn khoăn. Họ chỉ thấy con số mỗi tháng phải trả 1,6 triệu đồng là rất khả thi để sở hữu một món đồ nào đó, hoặc để phẫu thuật thẩm mỹ, hoặc để bay tới một vùng đất du lịch…

Như đã nói ở trên, tín dụng tiêu dùng là một phần quan trọng của nền kinh tế. Nhưng nếu nó bị lạm dụng thì lại dẫn đến những đổ vỡ. Ví dụ như việc vay tiêu dùng quá đà sẽ dẫn đến mất khả năng chi trả hoặc chí ít là không ít người sẽ trở thành con nợ suốt đời cho những cơn quay cuồng mua sắm chi tiêu xa xỉ.

Chỉ số tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng nói lên sức khỏe của một nền kinh tế, nhưng đó sẽ là chỉ số ảo nếu chúng ta chi tiêu quá mức của mình.

quay cuong trong xa xi VDSC: Người Việt đang vay mượn để tiêu xài quá mức chi trả

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định người Việt đang quá lạc quan vào thu nhập trong tương lai nên họ ...

quay cuong trong xa xi Xúc xích, chả lụa, lạp xưởng có giá trên trời

Cho dù giá heo hơi rất thấp người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao từ thịt cho đến thực phẩm chế biến.

/ Ngọc Anh/Đại Đoàn Kết