Quà vặt ngày xuân

Nếu hỏi bất kỳ ai về một món mà họ thèm ăn nhất ở mấy ngày đầu năm, chắc có lẽ đại đa số sẽ thèm một tô bún. Mà chắc chắn, trong cái đại đa số ấy, lựa chọn dành cho bún ốc, bún riêu, bún cá… sẽ chiếm phần đông nhất.

Cỗ bàn tất niên, tân niên ê hề nhưng cũng chỉ quanh đi quẩn lại từng ấy món đã khiến người ta ngán ngẩm lắm rồi. Đã thế lại còn tống thêm cái món rượu bia nữa. Thế nên nhiều người mới sáng tỉnh giấc mà đã thấy người ngất ngây vì vẫn còn vương vất hơi men. Ở cái trạng thái ấy, chút thanh thanh của tô bún cho người ta cảm giác nhẹ nhõm đi nhiều lần. Thậm chí, lắm người còn ám thị rằng húp chút nước dùng thôi cũng đủ để giã rượu rồi.

Thực tế, cỗ bàn ngày tết phải được xem là đã bắt đầu ngay từ những ngày còn trong tháng Chạp. Tất niên là cái cớ tăng cường cho những người ham tụ tập mà thôi, song lại là cái cớ không thể chối từ. Dù là quanh năm vẫn tụ họp với nhau đều đều đấy thôi nhưng tất niên lại là dịp chẳng thể bỏ lỡ kẻo, chúng bạn lại cười chê mình tránh né, sống không tròn nghĩa bạn bè.

Quà vặt ngày xuân -0

Mà cái trò tất niên thì quay tới quay lui cũng kiểu gì phải có mấy món nằm trong cỗ tết. Nếu là tất niên tại gia của một người bạn nào đó, cái vị cỗ tết nó càng thấm đẫm hơn nữa. Truyền thống thì không thể bỏ nhưng kỳ thực mấy món ăn Tết truyền thống nó dư độ béo quá. Ngoài Bắc thì đĩa thịt gà, canh bóng, canh măng, miến, bánh chưng, giò chả…; trong Nam lại thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu, thủy hải sản ê hề. Cứ toàn những món cao đạm như thế mà xơi, bảo sao mới sáng mùng 1 Tết nhiều người đã thèm tô bún đến quắt cả người. Bún gì cũng được, miễn sao là đừng có béo, phải có vị thanh thanh, hơi hơi chua càng tốt và dứt khoát nước lèo phải nóng như sôi và hành, ngò rau gia vị phải đủ đầy cho lại phần vitamine.

Cái nhu cầu nó luôn sẵn là vậy đâm ra nguồn cung cũng từ đó mà hình thành. Và thế là đó đó đây đây, mới tinh mơ mùng 1 Tết thôi, đã có những hàng bún dã chiến được hình thành. Có thể đó là một bà bán bún quen quanh năm vẫn ngồi ở một chỗ thân thuộc nào đó mà tên quán thậm chí có thể thành “địa danh”. Cũng có khi lại là một cô hàng bún phát sinh, bán tranh thủ dăm ba ngày Tết hàng quán vốn vãn, nhảy du kích vào một góc phố nào đó nhân khi chính quyền cũng bỏ qua chỉ vì không muốn người dân phải “rông cả năm”. Hàng quen cũng như hàng lạ thôi, kiểu gì thì kiểu, giữa cái khí đầu năm tươi mới, mùi nước dùng dâng lên nứt mũi, len lỏi trong phố thưa người, đủ sức lôi cuốn những người còn ngà ngà hơi men đêm trước sà vào làm một tô nóng hổi hòng kiếm lại cái tinh anh cho mình.

Tôi vẫn nhớ thuở còn thanh niên, mỗi dịp giao thừa xong là lại cùng dăm đứa bạn thân rủ nhau đi chùa, lên phủ. Bún ốc dọc đường vào phủ Tây Hồ thì khỏi nói rồi, nhiều và đông như trảy hội. Nhưng lũ chúng tôi lại chẳng bao giờ ghé những quán chực chờ hai bên đường ấy. Chỉ đi qua hít hà cái mùi thơm dầy dậy của dấm bỗng thôi là thấy đủ rồi. Dứt khoát có thèm đến mấy, chúng tôi cũng phải dành cái thèm ấy để về cái gánh bún ốc, bún riêu ở ngay góc nhà thờ Hàm Long. Mội đôi quang, vài cái ghế gỗ nhỏ. Chừng ấy là đủ. Cứ đúng cữ 6-7g sáng mùng 1, nhà ấy mới mở. Chúng tôi cũng đi chơi quanh quanh đợi giờ ấy mới sà về ăn mỗi thằng một tô, rồi quay về nhà ngủ thẳng giấc hẹn nhau chiều lại tụ tập đâu đó quay về chiến đấu với cỗ Tết đầu năm.

Mấy chục năm xa Hà Nội rồi, mỗi bận có về được dịp Tết thì cũng quanh quẩn ở nhà nên cũng chẳng hiểu gánh bún ốc nhà thờ Hàm Long giờ còn hay không? Vật đổi sao dời, ai biết được người hôm qua ngồi đó giờ đã ở tận phương nào. Cũng như đợt trước Tết thôi, sau giãn cách xã hội, cơ quan triệu tập lên họp gấp. Tôi cứ đinh ninh mấy quán ăn cũ vẫn còn, nhưng đến khi tìm tới thì hoang phế hết rồi. Biển hiệu đã gỡ, miếng quảng cáo “Cho thuê nhà” dán vội. Chẳng hiểu quán cũ có khi nào sẽ trở lại và trở lại ở nơi nào. Nhưng chính lúc giật mình ấy, hương xưa, vị cũ nó mới cồn cào, khiến cái đói lùi lại sau lưng cho cái nôn nao vì nhớ.

Quà vặt ngày xuân -0

Nói đến bún, miến, quả thực người Việt mình đa dạng món ăn với nước lèo vô cùng. Vùng miền nào cũng sẽ có ít nhất một món bún, mì hay miến nổi tiếng mà nếu chưa nếm qua thì chưa được coi là đã đến. Và kéo theo đó là cái tự hào của người gốc gác ở vùng miền ấy. Họ dễ coi món ăn đó của xứ mình là nhất và luôn sẵn sàng chỉ dẫn cho ai mới tới phải ăn ở đâu, ăn thế nào mới ngon và đúng cách. Có lẽ, ai cũng lo ấn tượng ban đầu không tốt dễ làm người xứ lạ đánh giá chưa đúng về món ngon xứ mình. Mà đỉnh điểm của cái tự hào ấy phải là mấy ông Hà Nội. Nội mỗi chuyện phở thôi, các ông ấy có thể nói quanh năm suốt tháng, nói cả ngày. Nào là phở Hà Nội ăn ở đâu mới là ngon nhất; tiệm này hơn kém tiệm kia chỗ nào; chủ tiệm ở đâu dễ tính hơn, vv và vv… Nhưng hình như các ông ấy đều quên những hàng quán vô danh, vốn chỉ bán trong ngày ở những góc phố, đầu ngõ thì phải. Với tôi, những quán ấy mới là ngon thực sự vì tất cả chỉ nấu bán trong ngày, hôm sau đã là một tinh tươm khác. Và nếu như một cái quán vô danh nào đó mà gắn liền với nơi ta sống, lớn lên, cái dấu ấn nó để lại cả về màu sắc, về mùi vị, về hình thù còn hằn sâu mãi.

Như đợt Tết dương lịch vừa rồi chẳng hạn, tôi có dịp về lại quê ngoại, Đà Nẵng. Chưa về Đà Nẵng đã thèm, và quyết phải ăn cho đã, bún xương và bún bò nấu theo kiểu Quảng Nam. Mấy món như mì Quảng thì khỏi nói rồi, từ mì Quảng cá lóc cho tới mì Quảng thịt, tôm gà. Nhưng với tôi, bún xương, bún bò ở Đà Nẵng mới là thứ để nhớ. Để rồi bạn bè ngoài ấy dắt đi ăn mấy quán ngon thật ngon, nổi tiếng thật nổi tiếng nhưng tôi vẫn không thể nào đã cơn thèm. Vẫn phải là tô bún của bà Nga ở trong cái kiệt (hẻm) mà ông bà ngoại sống mới đủ thỏa mãn tôi, dù bún của bà Nga không phải là ngon nhất. Nhưng tất cả tuổi thơ tôi, với mỗi mùa Hè về thăm ngoại, được sống dậy từ chính cái quán trong nhà ấy. Một chỗ ngồi ở góc bàn nhìn ra cái ô cửa sổ. Từ đó có thể nhìn thấy một buổi sớm của những gương mặt thân quen trong kiệt đi về. Cái giếng nước kế bên đã vắng lặng rồi vì bao năm nay không còn ai dùng nước giếng nữa. Nhưng quán cafe trong căn nhà gỗ kế bên quán bún vẫn lao xao tiếng người. Giọng Quảng vang vang, ồm ồm, rắn rỏi. Trong những tiếng “ta ta, mi mi” ấy, đôi khi có tiếng xen vào “tội hỉ, tội hỉ” khi nghe kể chuyện gì. Và tô bún, với màu óng lên của chút điều, dậy mùi bò cùng ngan ngát mùi các loại rau gia vị bé xinh nhưng mà thơm nức nở, nó đã là tuổi thơ của tôi. Từng buổi sớm ngủ dậy ở căn nhà ngoại nơi đây là từng buổi nhìn thấy trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ một mẩu giấy bà ngoại để lại trước khi đi chợ: “Con dậy ra cô Nga ăn bún hoặc ra tùy thích. Bà trả tiền hết rồi”. Tôi ăn từ khi tô bún chỉ một ngàn rưởi đồng cách đây gần 30 năm. Hôm nay quay lại, cũng chỉ hai chục ngàn đồng, mà vẫn đủ đầy hương vị cũ. Có lẽ, vì ở đó còn những con người cũ.

“Ông ngoại mi trước khi mất cũng vẫn còn hay ăn ở đây. Ông toàn đưa sẵn tiền cho cả tháng dù nhiều khi không phải ngày nào ông cũng ăn. Ai hỏi, ổng nói để họ có một khoản tiền mà đi chợ. Ổng ấy hiền dễ sợ. Tội hỉ”, tiếng bà cô hàng xóm cũ kể thủ thỉ bên tô bún mong manh buổi sớm càng khiến tôi mong manh hơn. Bao nhiêu năm rồi tôi chưa quay về quê ngoại? Bao nhiêu năm rồi tôi chưa trở lại kiệt cũ này? Bao nhiêu năm rồi tôi chưa gặp lại tô bún bà Nga? Có lẽ, dễ cũng đến nửa thập kỷ có hơn.

Rất nhiều người trong chúng ta cùng mang một thân phận xa nhà. Đó là lựa chọn của riêng ta trong cuộc sống nhiều chiều, đa hướng và biết bao cơ hội này. Và chúng ta cũng được trải qua bao nhiêu là những ngon, lạ, đẹp đẽ của đời. Tất nhiên, đắng cay ai mà chẳng có nhưng đầu năm kể chuyện đắng cay làm gì. Nhưng có được mấy khi ta nhớ lại mình, đi tìm mình ở chính một cái quán vô danh cũ kỹ nào đó, nhiều khi còn gắn liền với nơi ta sống từ thời cụ kỵ. Và nhớ lại rồi, có mấy khi ta quyết phải trở lại, chỉ một lần thôi, ăn và trầm ngâm ở đó, một lần trở lại có lẽ là xa xỉ hơn bất kỳ chuyến đi xa xỉ nào.

Đầu xuân này, có khi tôi trở lại nhà thờ Hàm Long. Không biết gánh bún ốc xưa còn hay không? Cô gái theo mẹ bán bún ốc bé lũn cũn năm xưa chắc đã có chồng. Chỉ góc phố ấy, dù có thay đổi gì, thì vẫn hiển hiện rất rõ, bất kỳ lúc nào hình ảnh dăm ba thằng bạn cũ lúc tóc còn xanh, mặt còn lấc cấc lắm. Chúng bước vào quán, kéo cái ghế bằng bàn chân mình, dõng dạc hô ra chiều oai lắm: “Cho mấy bát bún ốc đầu năm đi cô”.

Những món quà vặt “kinh điển” phố cổ Hà Nội Những món quà vặt “kinh điển” phố cổ Hà Nội

Không quá mới để nhắc đến những món ăn vặt ở Hà Nội. Có những món ăn đã đi vào “ kinh điển” của bao ...

/ antgct.cand.com.vn