Giữ và thu hút nhân tài trong tổ chức sau tinh giản biên chế là điều rất khó.
GS.TS. Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam khi tham gia Diễn đàn Khoa học “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW” do Liên Hiệp hội Việt Nam tổ chức đã cho rằng, Nghị quyết 39 được quy định khá chung chung.
GS.TS. Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam
Ông Tâm đặt câu hỏi: Nhiều nhận định cho rằng, phần lớn nguồn lực tài chính là chi cho bộ máy, nhưng bộ máy này là bộ máy nào? Qua khảo sát các nước Úc, Pháp, Mỹ, GS.TS. Lê Minh Tâm đánh giá, bộ máy hành chính ở Việt Nam ở cấp trung ương tính trên 90 triệu dân không phải quá lớn, cho tới khi có cơ chế cho cán bộ cấp xã.
"Với 11.000 xã, chỉ cần có một cán bộ thì đã có thêm 11.000 cán bộ trong hệ thống. Càng tăng thêm số cán bộ ở xã thì con số biên chế sẽ tăng lên rất mạnh" - GS.TS. Lê Minh Tâm cho biết.
Theo thống kê, bộ máy hành chính ở cấp cao là khoảng 27%, 6 tổ chức chính trị- xã hội gần 30%, nhưng nếu tính tổng số lại chưa tới 400.000 biên chế.
Nhưng con số hơn 11 triệu người hưởng lương, nhận chế độ, tức là 9 người làm nuôi 1 cán bộ là những con số rất đáng chú ý.
Nhận thức được điều này, Nghị quyết 39 ra đời nhằm giải quyết phần nào tình trạng biên chế đông đúc nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên các cách thức thực hiện Nghị quyết này còn chung chung.
Nghị quyết 39 nêu 4 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp được nêu rõ khá rõ: thứ nhất về nhận thức, thứ hai tiếp tục công tác tinh giản biên chế (tức là đã làm rồi nhưng chưa hiệu quả và giờ làm tiếp), thứ ba là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, thứ tư là vấn đề quản lý.
"Trên thực tiễn, quản lý là người "cho" biên chế, "cho" chế độ hưởng thụ của cán bộ, công chức, viên chức. Việc tinh giản biên chế khó khăn thế nào, dễ ra sao, lúng túng chỗ này chỗ khác, bộ máy phình ra... đều là do cấp quản lý.
Nếu có tìm nguyên nhân, đây là cái đầu tiên" - GS.TS. Lê Minh Tâm nhận định.
Như vậy, muốn giải quyết vấn đề biên chế, phải đặt vấn đề quản lý lên hàng đầu. Ngoài ra, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải là việc làm trước việc giảm biên chế.
Theo bố trí, việc làm mới có biên chế, mới có cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng khi tinh giản biên chế lại căn cứ vào từng công việc mà cán bộ, công chức, viên chức ấy đang đảm nhiệm để giảm bớt số lượng người trong tổ chức. Điều này khiến tinh giản biên chế lúng túng, khó khăn.
"Từ con người mới ra tổ chức. Nếu đặt ngược lại vấn đề, tức là lấy quản lý làm mục tiêu, xem một tổ chức cần giải quyết vấn đề gì rồi mới xác định công việc trong tổ chức ấy, giao công việc cho từng người. Từ đó mới tinh giản được biên chế" - GS.TS. Lê Minh Tâm nhận định.
Ông Tâm nêu rõ, để nhận thức được công tác tinh giản biên chế, cần phải nắm được 5 vấn đề sau: nhãn quan kinh tế (kiên quyết đi theo kinh tế thị trường); văn hóa quản lý cán bộ; xã hội nhận thức đánh giá hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy; chính sách pháp luật phải được tổ chức để phục vụ cho nhiệm vụ tinh giản biên chế; yếu tố chính trị. Trong đó, yếu tố chính trị phải dựa trên cơ sở 4 yếu tố trên để ổn định và hài hòa, từ đó có quan điểm về đổi mới tổ chức cho rõ ràng. Để nắm được toàn bộ nội dung trên là một quá trình dài.
Nếu đặt vấn đề nhận thức là nhóm giải pháp đầu tiên theo như Nghị quyết 39 thì sẽ làm cho chính các cơ quan, tổ chức nếu không nắm rõ sẽ bị mơ hồ trong cách thực hiện. Biên chế đúng là có giảm nhưng không đạt được mục tiêu đặt ra của Nghị quyết về công tác này, tức là tăng hiệu quả của tổ chức sau khi đã được cơ cấu.
Một điều đáng lưu ý của công tác tinh giản biên chế được ông Lê Minh Tâm nêu ra là vấn đề chi thường xuyên cho tổ chức. Nguồn lực tài chính chi cho đội ngũ cán bộ được cho là chiếm tỷ trọng lớn. Nhưng lương của cán bộ làm việc cho khu vực công là rất thấp. Vậy liệu điều đó có đúng không?
Nếu tinh giản biên chế và đặt tư tưởng giảm chi tài chính cho tổ chức thì phải rất cẩn thận bởi điều đó sẽ làm chảy máu chất xám.
Kinh phí chi cho đội ngũ làm việc hiệu quả nhất là lớp trẻ, tài năng vẫn là thang bảng lương ở mức 2,34, nâng dần lên cho đến khi họ đủ sống thì rất khó thu hút được nhân tài.