- 51 toa tàu metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã đến Việt Nam
- TP.HCM xin lùi thời gian hoàn thành 2 dự án metro
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị. Tổng mức đầu tư các dự án trên thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, các dự án đều đang chậm tiến độ và tồn tại hàng loạt vấn đề.
Mới đây, một lần nữa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có báo cáo kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng một số đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.
Chậm tiến độ, phát sinh nhiều khó khăn
Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành thi công xây dựng và thực hiện nghiệm thu, Bộ GTVT đã bàn giao cho UBND TP Hà Nội khai thác tháng 11/2021. Sau 10 tháng vận hành khai thác 6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 10 phút, vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vận hành khai thác tuyến đường sắt, đơn vị khai thác đã triển khai điều chỉnh biểu đồ chạy tàu từ ngày 1/9/2022 để vận hành khai thác 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 6 phút.
Tuy nhiên, liên quan đến công tác quản lý, dự án cũng còn nhiều vấn đề. Năm 2018, Dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định…
Tuy nhiên, do đây là Dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước có những khó khăn khi Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (được chỉ định trong Hiệp định vay) cho rằng, không có nghĩa vụ thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và từ chối thực hiện (các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục…) do đây là hợp đồng EPC. Đây cũng là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng, dẫn tới việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục tập trung rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước.
Tương tự, Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1 được phê duyệt đầu năm 2008. Ban đầu Dự án thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, song đến tháng 11/2014 đến nay thì dự án chuyển về Bộ GTVT. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 19.046 tỷ đồng.
Sau 14 năm đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã thực hiện được 130ha tại khu Tổ hợp Ngọc Hồi; đã hoàn thành xây dựng khu tái định cư tại xã Liên Ninh; đang triển khai xây dựng khu tái định cư tại xã Ngọc Hồi. Thiết kế kỹ thuật khu Tổ hợp Ngọc Hồi được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư trước đây) ký hợp đồng với Liên danh tư vấn JKT để triển khai từ năm 2009, sau vụ việc liên quan đến tư vấn JTC của phía Nhật Bản (năm 2014), hợp đồng với JKT được chấm dứt vào tháng 5/2017 nhưng chưa được thanh lý, quyết toán và tiếp tục hoàn thiện thiết kế kỹ thuật của khu tổ hợp Ngọc Hồi. Cùng đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, Dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, hướng tuyến đoạn ga Gia Lâm đến ga Nam Long Biên; công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.
Bên cạnh đó, đây là dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội nên còn có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ GTVT hay UBND TP Hà Nội để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; làm rõ cơ chế tài chính của dự án (nhất là cơ quan vay lại) để hạn chế các vướng mắc theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công; xem xét điều chỉnh công năng các ga đường sắt trong khu đầu mối TP Hà Nội. Với các vướng mắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất không gia hạn Hiệp định vay cho dự án này.
Đội vốn, một số dự án đề xuất kéo dài tới năm 2027, 2030
Năm 2009, Dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội được xác định có tổng mức đầu tư là 783 triệu Euro. Sang đến năm 2013, dự án được điều chỉnh lên 1.176 triệu Euro. Điều đáng chú ý, dự án có 10 gói thầu chính thì đến nay 9/10 hợp đồng các gói thầu cần gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Hiện UBND TP Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Cụ thể, điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến năm 2027. Nguyên nhân đề xuất kéo được cho là do công tác GPMB, di dời các công trình chậm (dự kiến hết tháng 10/2022 mới có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu gói thầu CP03).
Tiếp đến, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, theo quyết định phê duyệt dự án, thời gian thực hiện từ năm 2009-2015, tuy nhiên do các thủ tục, thời gian điều chỉnh dự án bị kéo dài nên dự kiến thời gian hoàn thành Dự án vào năm 2027. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 19.555 tỷ đồng, song đến nay tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã lên tới con số 35.678 tỷ đồng. Sau nhiều năm trì trệ, đến nay dự án mới GPMB được 92% diện tích phần ga trên cao, còn phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích. Dự án chậm triển khai do việc điều chỉnh dự án kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay chưa được phê duyệt, vướng mắc chủ yếu liên quan đến trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của Luật xây dựng, Luật đầu tư công và Nghị định Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, thiết kế ga ngầm C9.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với nội dung quan trọng là điều chỉnh phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm.
Tại TP Hồ Chí Minh hiện cũng có 2 dự án đường sắt đô thị đang triển khai. Tuy nhiên, tình trạng không hơn gì các dự án tại Hà Nội. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành-Suối Tiên được phê duyệt năm 2007, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2008, 2011, 2019, 2021 với tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã có 11 báo cáo Quốc hội về dự án.
Theo thông tin mới nhất, luỹ kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đến nay đạt khoảng 92.19%, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt khoảng 93%. Từ khi bùng phát dịch COVID-19 từ năm 2020 đến 2021, dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ do thiếu hụt, không đủ nguồn lực thi công, nguyên vật liệu giá cả biến động bất thường. Mặt khác, báo cáo cũng cho hay, công nghệ áp dụng trong lĩnh vực đường sắt đô thị nói chung và dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên nói riêng là hoàn toàn mới ở Việt Nam, phải tham khảo các tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án (khoảng 3.000 tiêu chuẩn), việc xác định tiêu chuẩn tương đương hoặc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn áp dụng cần nhiều thời gian…
Cuối cùng là Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành-Tham Lương được TP Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2010, điều chỉnh năm 2013, 2019 với tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Từ năm 2019 đến nay, Chính phủ đã có 3 lần báo cáo gửi tới Quốc hội. Dự án có diện tích chiếm dụng 251.136m2 với 603 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, đã bàn giao mặt bằng đạt 85,15%. Tuy nhiên, thủ tục bồi thường GPMB trên địa bàn quận 3, TP Hồ Chí Minh kéo dài và vướng mắc; UBND TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo phấn đấu năm 2022 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng.
Căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án đã được các nhà tài trợ thống nhất, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, đưa vào khai thác năm 2030. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các Bộ về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án…