Hàng chục chiếc xe công nông được "độ", chế nối đuôi nhau vào bãi khai thác gỗ tại khu vực đồi Chư Jú, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai bốc gỗ. Sau một ngày cặm cui cẩu, kéo, những chiếc xe chất đầy gỗ ùn ùn kéo nhau về.
Sau nhiều ngày dò la, nghe ngóng nắm được quy luật hoạt động của nhóm "lâm tặc", PV báo Người Đưa Tin đã cải trang thành người dân đi tìm lan để thâm nhập lãnh địa khai thác gỗ lậu.
Sáng sớm 25/4, chúng tôi bắt đầu hành trình thâm nhập vùng "núi cấm" (núi Chư Jú). Từ trung tâm xã Ia Sao, chúng tôi men theo con đường đất độc đạo nhếch nhác bùn lầy, trơn trượt bởi cơn mưa ồ ạt đêm qua khiến hành trình thêm heo hút, gian nan.
Càng đi sâu vào bên trong càng khó khăn, hiểm trở bởi cung đường quanh co, uốn lượn, những tảng đá lớn chắn ngang bít lối đi. Có những đoạn dốc cao ngút ngàn, hai bên vực sâu thăm thẳm khiến chúng tôi phải gồng mình, nín thở vượt qua. Đúng như dự đoán, sau khi vượt qua con dốc cao, ngồi "mai phục" tại đây khoảng 30 phút, nhìn xuống sườn núi, chúng tôi phát hiện những chiếc công nông "độ", "chế" nối đuôi nhau tiến vào rừng.
Để tiếp cận được địa điểm bốc gỗ, chúng tôi áp sát, chạy theo ngay phía sau 1 chiếc xe công nông đi phía cuối cùng. Trên đường đi vào, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe công nông "độ", "chế" khác, trên xe chất đầy gỗ chạy ngược từ trong rừng ra, các tài xế có vẻ mặt hớn hở, nở nụ cười chào nhau.
Sau hơn 4 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi đến được bìa rừng. Tuy nhiên, đường lên núi lại dốc đứng, chúng tôi phải bắt đầu hành trình đi bộ. Đôi tai chúng tôi luôn căng ra để lắng nghe tiếng máy cày, mắt cặm cụi lần theo những vệt bánh xe để lại trên đường bám theo sau.
Xe cày "độ", "chế" vào rừng bốc gỗ.
Sau hơn 3 giờ đi bộ, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh núi Chư Jú. Lúc này, tiếng máy cưa đã vang vọng. Trước mắt chúng tôi, những chiếc xe công nông xếp hàng dài. Theo khu vực phát ra tiếng máy cưa gần nhất, chúng tôi rón rén tiếp cận. Tại đây, chúng tôi phát hiện 1 điểm tập kết gỗ có đường kính "khủng". Gỗ được cắt tỉa vuông vức, kế bên là 1 chiếc máy cày.
Chiếc công nông độ chế đang kéo gỗ.
Cách đó, không xa là 2 thanh niên đang cặm cụi dùng máy cưa cắt gỗ. Sau một lúc quan sát, thấy không có ai canh bãi gỗ, chúng tôi áp sát. Tôi đưa máy lên bắt đầu ghi hình thì bất ngờ bị phát giác. 2 thanh niên đang cưa gỗ quát lớn: "Chúng mày làm gì ở đây?" rồi thả máy cưa chạy đến đứng trước mặt chúng tôi. Tôi khẽ nhét điện thoại vào túi quần, tay nắm áo người bạn nói thầm: "Đừng chạy, đừng chạy". Lúc này, chúng tôi vã mồ hôi, cảm giác sợ hãi len lỏi trong sống lưng.
Khoảnh khắc mặt đối mặt 2 tên "lâm tặc" khiến chúng tôi căng thẳng, ngột ngạt đến khó thở. Tôi điềm tĩnh chống chế hỏi: "2 anh biết chỗ này khu nào có nhiều hoa lan không chỉ em với. Em kiếm sáng giờ không được bụi nào". Lúc này, một tên nổi cáu quát: "Lan liếc gì, khu này không có". Nói rồi hắn chỉ tay theo hướng quả đồi trước mặt bảo: "Muốn kiếm lan gì qua bên đó mà kiếm". Sau đó, tên này bấm điện thoại gọi một ai đó nói: "Anh ơi, có 2 đứa nào lạ mặt đang lảng vảng ở đây".
Những hộp gỗ lớn được kéo về bãi tập kết.
Nhân cơ hội, chúng tôi quay đầu chân bước vội, lẻn vào vạt rừng rậm ẩn náu. Sau phút định thần, tôi cay cú vì đi cả ngày, vật vả, bụng đói, chân tay run lẩy bẩy mà chưa quay được thước phim nào giá trị. Tôi nói với người đi cùng: "Anh ở đây đợi em chút" rồi làm liều quay lại bãi gỗ. Quay lại đây, tôi thấy làm lạ, 2 tên "lâm tặc" bộ dạng gấp gáp, vội vã gom đồ đạc, cưa máy bỏ lại gỗ chạy xe không về. Chớp thời cơ, khi chúng vừa rời đi tôi đưa máy lên ghi lại một số hình ảnh rồi khẩn trương cùng người bạn ra khỏi rừng.
Xe công nông chở gỗ từ rừng ra.
Sáng 26/4, PV gặp ông Tống Hoài Long, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai để phản ánh về vụ việc phá rừng nói trên. Trao đổi với PV, ông Long cho biết: "Tôi chưa nghe anh em kiểm lâm địa bàn báo cáo gì về vụ phá rừng này". Tuy nhiên, ông Long than thở, lý giải nếu có tình trạng xảy ra thì do lực lượng mỏng... địa hình vùng sâu, vùng xa khó quản lý. Thế nhưng, nhìn những hình ảnh mà PV cung cấp, ông Long phải thốt lên: "Chết! Thế này thì không ổn. Tôi sẽ cho anh em vào kiểm tra ngay".
Người Đưa Tin tiếp tục thông tin về vụ việc.
Kiểm lâm bị tố làm ngơ với nạn phá rừng: Gỗ lậu cất giấu gần trạm bảo vệ rừng
Ngày 10-4, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào ... |
Chủ tịch xã gọi đi bắt gỗ lậu, kiểm lâm và chủ rừng hôm sau mới tới
Dù đã báo trước và trước khi đi bắt gỗ lậu, chủ tịch xã gọi điện thoại đề nghị phối hợp nhưng cả kiểm lâm ... |
Kiểm lâm bị tố thờ ơ với nạn phá rừng
Dù đã báo trước và trước khi đi bắt gỗ lậu, chủ tịch xã gọi điện thoại đề nghị phối hợp nhưng cả kiểm lâm ... |