Mỹ và các nước châu Âu đã đồng ý cắt một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Biện pháp nằm trong gói trừng phạt thứ ba nhắm vào Nga vì cuộc tấn công vào Ukraine.
Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt được Mỹ, Pháp, Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu đồng ý, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của Ngân hàng Trung ương Nga.
Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: AP) |
Bên cạnh đó, gói trừng phạt hạn chế việc sử dụng "hộ chiếu vàng" của những người Nga giàu có và gia đình, đồng thời sẽ nhắm vào các cá nhân và tổ chức ở Nga ủng hộ cuộc chiến với Ukraine, một người phát ngôn Chính phủ Đức nói.
“Hộ chiếu vàng” cho phép các cá nhân Nga giàu có và có mối liên hệ với Điện Kremlin trở thành công dân nước khác và tiếp cận được với hệ thống tài chính nước này.
"Các nước nhấn mạnh việc sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu Nga không chấm dứt cuộc tấn công vào Ukraine và trật tự hòa bình châu Âu", người phát ngôn nói thêm.
Thông báo được đưa ra thông qua một tuyên bố chung từ các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và châu Âu. Các nhà lãnh đạo gọi các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là "một cuộc tấn công vào các quy tắc và chuẩn mực quốc tế cơ bản đã phổ biến từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, điều mà chúng tôi cam kết bảo vệ."
Các ngân hàng trên thế giới sử dụng SWIFT để hoàn tất giao dịch và hoạt động chuyển khoản. Việc cắt Nga khỏi SWIFT sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng của họ trong việc hoạt động hiệu quả, nhưng cũng có thể gây hậu quả kinh tế cho các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra rằng việc loại Nga ra khỏi SWIFT không phải là một phần của các biện pháp trừng phạt ban đầu vì không phải tất cả các đồng minh châu Âu đều áp dụng biện pháp này. Nhưng khi giao tranh gia tăng ở Ukraine trong những ngày gần đây và Nga tiến sát thủ đô của Kiev, các quốc gia phương Tây đứng trước áp lực đưa ra phản ứng cứng rắn hơn.
Cũng nằm trong loạt trừng phạt mới, hôm 27/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo rằng EU có kế hoạch đóng băng tài sản của Ngân hàng Nhà nước Nga. Theo bà Ursula von der Leyen, điều này "sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nga không thể thanh lý tài sản của mình”.
PHƯƠNG ANH(Nguồn: Reuters, The Hill )