Phương án sinh tồn

Máy xúc vừa phá mảng tường cao hơn hai mét của Đại học Hà Tĩnh, ông Thân chạy vào trong sân: "sống rồi!".

Máy xúc vừa phá mảng tường cao hơn hai mét của Đại học Hà Tĩnh, ông Thân chạy vào trong sân: "sống rồi!".

Năm giờ chiều ngày 19/10, trời mưa tầm tã, ngôi nhà của ông Trần Văn Thân, 55 tuổi, tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nước dâng ngập hơn một mét. "lụt rồi!", ông hô lớn. Người nhà vội di chuyển ba tạ lúa lên tầng hai để không bị ướt. Nhìn ra dãy chuồng sau bếp, ông Thân nghe tiếng hàng chục con gà, lợn kêu vì bị ngập nước nhưng đành bất lực và xác định mất trắng, không thể kịp dời chúng đi.

Ông Thân bế cháu gái bốn tuổi, bốn người còn lại theo sau, lội bộ 600 mét trong nước ngang bụng đi ra ngoài khu đất cao. Đến cổng Đại học Hà Tĩnh, ông thấy hàng chục người khác cũng đang đứng ở đây để xin vào ký túc xá tránh lụt. Nhưng trời tối dần, cổng chính đóng, bảo vệ vắng mặt, không thể vào trong.

Nhìn chếch về hướng đông, thấy chiếc máy xúc đang thi công đường ven biển đậu cách cổng trường 400 mét, nhóm của ông Thân gọi điện cho chính quyền xã, đặt vấn đề muốn đập bỏ một mảng tường rào để vào trong tránh lũ, vì công trình cao quá, không thể trèo qua. Khi được cho phép, thợ máy xúc đã nổ máy phá một mảng tường cao hai mét, rộng bốn mét để nhóm người chạy vội vào trong ký túc xá. Lúc đó đã hơn sáu giờ tối, đứng lên tầng cao nhìn ra bên ngoài, nhiều xã, phường ở huyện Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh mênh mông trong nước, chỉ nhô lên ít mái nhà.

phuong an sinh ton
Rạng sáng 19/10, khi nước dâng cao, một số người dân xã Cẩm Bình, Cẩm Vịnh ở gần ký túc xá đại học Hà Tĩnh đã chạy tới đây trú. Lúc này ký túc xá đang đóng cửa, trong khi tường rào cao hơn 2 m, người dân không thể vào trong nên họ đã nhờ máy múc trên công trường gần đó phá tường để chạy lên các dãy nhà cao tầng.

Tối 20/10, gặp tôi ở ký túc xá đại học Hà Tĩnh, ngồi trên giường bên ánh nến lập lòe, ông Thân phân trần: "Việc dân nhờ thợ máy xúc phá tường là bất đắc dĩ. Chúng tôi làm theo bản năng sinh tồn". Lúc đó, ngoài người lớn còn có nhiều trẻ em, chúng rất hốt hoảng. Trời liên tục đổ mưa nặng hạt, nước xung quanh dâng nhanh, nếu chần chừ, tai họa sẽ ập đến.

Đợt lũ này không chỉ riêng ông mà nhiều người khác cũng bị động. Năm 2010, huyện Cẩm Xuyên từng xảy ra trận lụt được cho là lịch sử, nhưng mực nước cao nhất chỉ gần một mét và dâng chậm, ai cũng kịp đưa tài sản giá trị lên chỗ cao và ít người phải sơ tán. Ở vùng đồng bằng, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 5 km, ông Thân chưa từng nghĩ mình sẽ phải đối mặt với cơn lũ lịch sử khác lớn hơn gấp bội.

Vì không chuẩn bị trước, khi nước ập đến, trong nhà ông Thân không hề có phương tiện và vật dụng nào có thể ứng phó với lũ lụt tức thời như thuyền, áo phao, hay còi báo động để lực lượng chức năng biết vị trí gặp nạn. Hớt hải chạy trốn khỏi con nước, thứ cần thiết mà lão nông cùng nhiều hàng xóm mang theo chính là một số bình gas và bếp gas mini, vài chiếc bát, đũa, ấm nước - để "pha mì tôm ăn trong những ngày chống lũ".

Đi qua nhiều dãy phòng khác trong ký túc xá 5 tầng của Đại học Hà Tĩnh tối hôm đó, tôi cố gắng quan sát xung quanh xem có chiếc áo phao nào hay không, song không thấy. Thành giường hoặc ghế gỗ đặt ngoài hành lang đầy quần áo ướt đang chờ hong khô.

Hàng trăm người dân đang tránh lũ tại đây, họ đều bảo phải tự đi bộ từ 600 mét đến hơn một cây số lên ký túc xá khi nước chưa ngập quá đầu người mà không có trang bị cứu hộ phòng thân. Một số cụ già được chính quyền đưa thuyền đến tận nhà "giải cứu" khi nước tại nhà họ đã ngập tới hai mét vào trưa 19/10. Thời điểm đi trú họ có áo phao, nhưng là của nhà chức trách phát chứ không phải do bản thân chuẩn bị từ trước.

Ông Thân nói hàng chục năm qua chưa từng chứng kiến trận "đại hồng thủy" nào kéo dài và hoành hành khắp miền Trung như trong tháng 10 năm nay, nên không chú ý đến việc trang bị cho gia đình những vật dụng cứu hộ cần thiết. Ngay cả khi đã an toàn ở ký túc xá, điều ông bận tâm chính là đàn gà và đàn lợn nái hàng chục con bị nước nhấn chìm, không rõ còn sống hay chết. Chỉ khi tôi nêu giả thiết, nếu rạng sáng 19/10, mực nước dâng lên cao hơn hai mét, lút đầu người, ông sẽ làm cách nào để thoát. "Không dám nghĩ đến", ông Thân giật mình nói.

Từng tác nghiệp trong lũ lụt ở nhiều nơi, tôi thấy người dân ở các vùng thấp trũng đều trang bị cho mình được nhiều bài học chống lũ. Tại "rốn lũ" xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nhiều năm nay người dân đã làm hàng trăm nhà nổi bằng thùng phuy. Khi xảy ra ngập lụt, họ đưa ngay vật dụng, thực phẩm, gia súc vào nhà đó chờ nước rút. Hay tại nhiều xã như Hương Thủy, Điền Mỹ của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, bà con đều sắm sẵn thuyền gỗ để di chuyển.

Dân ở những "rốn lũ" của Hà Tĩnh, Quảng Bình chia sẻ, có những trận lụt nước dâng ngập mái nhà, họ cũng cần sự giúp đỡ của nhiều phía. Hàng chục năm sống chung với lũ, họ đã có rất nhiều bài học, bản năng sinh tồn mách họ phải trang bị cho bản thân và gia đình những phương án đảm bảo an toàn tính mạng trước khi nhờ nhà chức trách hỗ trợ.

Nhưng, đó chỉ là kinh nghiệm của số ít người từng đối mặt với thực tế. Còn rất nhiều người dân khác trên khắp đất nước chưa từng đương đầu với một trận bão hay lũ, tôi lo họ sẽ lúng túng nếu phải trải qua tình huống nhờ máy móc đập tường rào để chạy lụt như nhiều người dân huyện Cẩm Xuyên.

Tại Nhật Bản, gần như tất cả các thành phố đều có những "bản đồ nguy hiểm" thể hiện chi tiết những bãi bồi dễ ngập nước, các khu vực có nguy cơ lở đất cao được đăng trên mạng. Người Nhật luôn lưu ý ghi nhớ các tín hiệu cảnh báo khi nhận được tin nhắn khẩn cấp từ chính quyền, ngay cả khi chưa xuất hiện mối đe dọa tức thời. Tôi thấy Việt Nam có rất ít "bản đồ cảnh báo nguy hiểm" đăng công khai. Trước những trận bão lũ, điện thoại người dân đôi khi nhận được tin nhắn cảnh báo từ chính quyền, nhưng có người xem qua loa, hoặc cho rằng đó là "tin rác", không để ý.

Biến đổi khí hậu vốn đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, và Việt Nam gần đây, nó không còn là một thuật ngữ môi trường mà hiển hiện bằng bão lũ, lụt lội và sạt lở, hạn mặn liên miên... Riêng tháng 10, toàn dải miền Trung đón bốn cơn bão, một áp thất nhiệt đới, nhiều nhất trong chuỗi số liệu nhiều năm của ngành khí tượng ghi nhận, bằng tháng 10/1993. Ba tuần cuối tháng 10 này, theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, chúng ta mất đi hơn 130 sinh mạng, vài chục người đang mất tích.

Ở phút cận kề hiểm nguy, ông Thân cùng nhiều hàng xóm đã làm theo bản năng sinh tồn, phá tường trường học để tránh lũ, nhưng việc này có thể tạo ra rắc rối nếu không được chính quyền thông cảm và chia sẻ. Còn nhiều phương án khả dĩ hơn, nếu khi đó tất cả có sẵn thuyền và áo phao, chắc sẽ không ai hốt hoảng.

Giáo dục kỹ năng sinh tồn cho mọi người, ở mọi địa phương giờ đây có lẽ là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước trong tình thế thiên tai có thể nổi giận bất kỳ lúc nào.

Đức Hùng

Những mẹo sinh tồn bạn cần dùng lúc nguy cấp Những mẹo sinh tồn bạn cần dùng lúc nguy cấp
Hãy tôn trọng học sinh trước khi nói đến những điều to tát! Hãy tôn trọng học sinh trước khi nói đến những điều to tát!
/ vnexpress.net