Một số người dân Afghanistan cảm thấy mất hết "hy vọng” sau khi lính Mỹ cuối cùng rời khỏi nước này, họ đang cố chấp nhận thực tế Taliban đã trở lại.
Ngày đầu tiên Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, Arifa Ahmadi (tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi) đã đốt hết những bộ đồ jean và các loại quần áo mà cô cảm thấy sẽ không được lực lượng này chấp nhận. Sau khi binh sỹ Mỹ cuối cùng rời Afghanistan hôm 30/8, đất nước này dường như đã “sang trang mới”.
Một thế hệ đã sinh ra trong 20 năm qua ở Afghanistan, khi Taliban không nắm quyền. Thế hệ này lớn lên với sự tự do, cơ hội giáo dục và việc làm, dưới chính phủ do phương Tây hậu thuẫn. Ahmadi cũng là một phần của thế hệ đó, và cô mất việc sau khi Taliban giành kiểm soát.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để có được một công việc ở văn phòng hải quan ở Farah, và tôi đã làm được. Tôi mời bạn bè đến nhà để ăn mừng. Chúng tôi đã rất hạnh phúc”, Ahmadi kể với The Guardian.
“Nhưng tôi mất việc chỉ sau 3 tuần. Taliban đã bảo nhiều người phụ nữ tại văn phòng của tôi phải ra về. Xem xét tình hình thì tôi không cố quay trở lại làm gì nữa”, cô nói.
Giờ thì “một người đàn ông râu dài” đang ngồi ở chỗ Ahmadi từng ngồi.
Phụ nữ Afghanistan với phong cách ăn mặc phương Tây có thể là điều khó chấp nhận trong con mắt các thủ lĩnh Taliban. (Ảnh: Time) |
Lực lượng Taliban cho đến nay đang cố gắng thể hiện một bộ mặt hòa giải hơn với thế giới. Không có báo cáo nổi bật nào về việc họ tiến hành các hình phạt khắc nghiệt công khai hay cấm đoán hoạt động giải trí, những điều đặc trưng cho giai đoạn thống trị của Taliban trước năm 2001.
Ahmadi rời Farah sau khi Taliban kiểm soát thành phố và đến sống ở Kabul, hy vọng từ đây có thể ra nước ngoài.
“Tôi khóc cả sáng nay. Anh trai tôi ra ngoài và đã mua burqa (loại áo dài của phụ nữ Afghanistan) về cho tôi. Lúc đốt hết những bộ đồ jeans, tôi cảm thấy như chẳng còn hy vọng gì nữa. Không có gì có thể khiến tôi vui vẻ được nữa. Tôi không muốn một cuộc sống như thế này, giờ tôi chỉ đang chờ cái chết”, Ahmadi nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30/8 nói “một chương mới đã bắt đầu” tại Afghanistan, sau khi hoạt động quân sự của NATO kết thúc. Nhưng trên đường phố Kabul, không khí ảm đạm dường như bao trùm lên nhiều người, khi họ xếp hàng dài ngoài ngân hàng để rút tiền. Taliban yêu cầu các ngân hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần trước và giới hạn rút 200 USD một tuần.
Binh sĩ Pakistan kiểm tra giấy tờ của người dân ở biên giới với Afghanistan. (Ảnh: EPA) |
Nesar Karimi, kĩ sư tại Kabul cho biết ngày đầu tiên của anh dưới quyền Taliban bắt đầu ở trước cửa ngân hàng. Anh đến đó từ 6 giờ sáng, ngân hàng chưa mở cửa nhưng nhiều người đã chờ bên ngoài. Đến 12 giờ, ngân hàng đóng cửa ATM vì không còn tiền nên anh lại trở về tay không. “Hàng trăm người đã ở đó. Taliban dùng gậy đánh mọi người. Tôi muốn ở lại nhưng tình hình rất hỗn độn nên tôi về nhà. Hôm đó là ngày thứ hai tôi cố gắng đi rút tiền nhưng không được”, anh cho biết.
Sống ở thủ đô gần cả cuộc đời, Karimi chưa bao giờ thấy nó như thế này. “Thành phố như không còn cảm xúc gì nữa. Mọi người giống như mất tất cả các giác quan, giờ họ chẳng còn quan tâm, tôi chẳng còn quan tâm, thế hệ của tôi đã mất tất cả mọi thứ chỉ trong vài giờ ngắn ngủi. Mọi người hoàn toàn vỡ vụn”, anh nói.
Kabul vốn là thành phố “tự do” nhất ở Afghanistan dưới chính quyền cũ. Nơi này có tất cả mọi thứ từ thể hình đến nước tăng lực, những kiểu tóc kỳ lạ, nhạc pop, phim truyền hình Tây Ban Nha. Nhưng nhiều người dân Kabul đang cố gắng thay đổi lối sống.
Jabar Rahmani, cư dân thành phố Mazar-i-Sharif, cho biết: “Tôi quyết định để râu và mặc quần áo truyền thống của Afghanistan đề phòng mối đe dọa từ họ. Đáng ra ai đó mặc gì là việc của anh ta, nhưng ở đây tôi phải làm điều đó để sống sót. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết là rất mong manh dưới sự kiểm soát của những người này. Râu hoặc quần áo có thể là một điều rất đơn giản đối với những người ở những nơi khác trên thế giới, nhưng ở đây nó là một cuộc đấu tranh nguy hiểm đến tính mạng”.
Mỹ tổ chức các chuyến bay sơ tán ở sân bay Hamid Karzai, Kabul. (Ảnh: AP) |
Trong khi các quan chức cấp cao của Taliban đã nhiều lần nói rằng các lực lượng sẽ đối xử với người dân một cách tôn trọng và không đưa ra các hình phạt tùy tiện, nhiều người lại nghi ngờ họ hoặc không tin rằng có thể kiểm soát những binh sĩ trên đường phố.
Reshad Sharifi, một cư dân ở Herat, cho biết quân Taliban đã cấm anh ta mặc áo phông và quần đùi khi đi tập thể dục.
“Tôi có thói quen thức dậy vào sáng sớm để đi đến một ngọn núi gần đó ở Herat. Tôi nghỉ vài ngày và hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi bộ và chạy khi Taliban nắm quyền. Tôi luôn mặc quần đùi và áo phông. Sáng nay cũng vậy, nhưng Taliban đã ngăn lại bằng cách chĩa súng về phía tôi. Họ nói: 'Hãy về mặc như một người Hồi giáo rồi quay lại'. Tôi đã sống ở Herat kể từ khi họ tiếp quản nhưng không cảm thấy bị tổn thương nhiều như thế này. Tôi đã mất hy vọng vào cuộc sống”.