Phải chăng các bậc phụ huynh muốn những đứa con của mình học cách “ăn miếng trả miếng” với người có công dạy dỗ, làm mọi cách cũng chỉ mong trẻ tốt hơn?
Trường tiểu học Bình Chánh xảy ra việc phụ huynh ép giáo viên quỳ xin lỗi (Ảnh: Tuổi Trẻ). |
Một nữ giáo viên dạy cấp tiểu học ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh khi trót phạt học trò quỳ trên lớp. Vụ việc khiến dư luận xôn xao và phần nhiều ai cũng thấy xót xa cho cô giáo, cho ngành giáo dục.
Tôi không được học cách một giáo viên đứng lớp phải làm gì để phạt trò hư nên không lạm bàn về cách cô giáo xử phạt có đúng không, có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ không… Nhưng, tôi nhớ từ lớp 1 đến lớp 5, năm nào tôi cũng bị quỳ trên ghế mà cha mẹ tôi không hay biết. Bởi, nếu tôi mách lại, cha mẹ tôi sẽ đánh đòn tôi với cái tội hư nên bị cô phạt (chứ không phải đến trường dọa dẫm giáo viên như phụ huynh trong vụ việc).
Và, tôi lúc đó, cũng không có khái niệm bị phạt nên sợ đến lớp, sợ thầy cô giáo. Tôi chỉ biết bản thân cần ngoan hơn để không phải cúi mặt khi quỳ trước lớp.
Tôi dám chắc không chỉ tôi mà nhiều lớp học sinh khác (thời của tôi và trước đó) cũng từng bị đánh vào tay, tét vào mông, phạt quỳ, nhéo tai… nhưng chẳng đứa nào dám mách cha mẹ. Bởi, cha mẹ không bao giờ thành chỗ dựa để chúng tôi “phản ứng” với thầy cô. Và, tất nhiên, cha mẹ tôi là một trong số những phụ huynh tin tưởng tuyệt đối vào cách dạy dỗ của thầy cô và nhà trường.
Ngày nay, khi cái gì người ta cũng biết một ít, người ta bắt đầu lạm bàn những ngành, những nghề không thuộc lĩnh vực mình am hiểu. Ví như, phụ huynh bênh con quay ngược dạy giáo viên cách dạy con họ như thế nào để con họ ngoan mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Thế nhưng, có thể, chẳng bao giờ, cánh phụ huynh ấy chịu ngồi dạy con họ trong khoảng 45 phút.
Tôi từng phản ứng với anh trai khi anh ấy cốc đầu thằng cháu khi nó không biết làm phép tính cộng. Tôi nói đủ thứ lý lẽ như: Anh đánh cháu là bạo hành, anh làm ảnh hưởng đến tâm lý của cháu, dạy như thế không khoa học… Thế nhưng, khi tôi ngồi vào bàn với cháu, người tôi nóng ran, phát cáu khi thằng nhỏ không tập trung, cứ vẩn vơ kiếm chuyện để nhanh được chơi game. Tôi nghĩ, mình là người thân còn nóng giận khi trẻ hư, vậy hà cớ gì “truy cùng giết tận” một cô giáo lỡ chọn phương pháp chưa phù hợp để dạy trẻ?
Vậy mới hay, đôi khi đứng trước một đứa trẻ hư, giáo viên cũng có sự luống cuống rồi mắc phải sai lầm, đưa ra những hình phạt chưa thật hợp lý. Nhưng, họ mắc sai lầm vì họ muốn con em của chúng ta tốt hơn chứ đâu phải mưu cầu gì cho bản thân?
Khi các bậc phụ huynh ấy làm đủ cách để áp lực, buộc cô giáo phải quỳ, tôi không biết họ nghĩ gì và muốn dạy con họ điều gì? “Ăn miếng trả miếng”, trở thành chỗ dựa cho con, tôi e đó không phải là cách hay.
Người Việt ta có câu ca dao “Muốn sang phải bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. “Yêu thầy” không phải phó mặc con của chúng ta cho thầy cô, không phải sợ nhà trường. Mà là, chúng ta cần kính trọng họ, là tuân thủ “giao ước” khi ta đưa con vào trường, là nghiêm cẩn tin tưởng họ, cùng xây dựng cho con cái chúng ta một môi trường lành mạnh để phát triển.
Việc dạy con cách “ăn miếng trả miếng” với người có công dạy dỗ, có tấm lòng muốn các con tốt hơn, muốn các con trưởng thành là hành động không đúng mực, cần suy xét lại.
Vụ "bắt cô giáo quỳ gối" ở Long An: Không phải "bắt", chỉ yêu cầu "làm thử"?
Vụ cha mẹ học sinh (CMHS) "bắt cô giáo quỳ gối" ở Trường TH Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ... |
Người buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi là thư ký Hội Luật gia
Theo Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh trường Tiểu học Bình Chánh, 1 trong 4 người buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi là ... |
Vụ giáo viên "quỳ xin lỗi phụ huynh": Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo làm rõ
Bộ GDĐT đã yêu cầu Sở GDĐT tỉnh Long An xác minh vụ việc cô giáo N (Bến Lức, Long An) phải quỳ gối xin ... |