Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được coi là địa chỉ đặc biệt dành cho những học sinh không may mất đi ánh sáng. Có điều gần đây, nhiều phụ huynh chia sẻ, họ chưa bao giờ thấy lo lắng và bất an như thế trước chủ trương “hòa nhập” - cả về các khoản đóng góp - của lãnh đạo nhà trường.
Toàn cảnh khuôn viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, TP Hà Nội (Ảnh: Đình Tuệ).
Học sinh khiếm thị phải “chạy đua” với học sinh sáng mắt?
Do trở ngại đôi mắt không nhìn được, nên trẻ khiếm thị rất thiệt thòi, cần được chăm sóc, hỗ trợ, sẻ chia. Việc học tập của các cháu cũng vất vả hơn nhiều so với trẻ bình thường.
Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về giáo dục đối với người khuyết tật đã nêu rất rõ: Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập…
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh có con khiếm thị học ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), gần đây, họ phải đóng thêm nhiều khoản tiền. Giờ sinh hoạt của con bị giảm đi (do nhà trường yêu cầu phụ huynh đón con về ngày thứ bảy và chủ nhật) nhưng tiền đóng thì tăng lên. Giảm hỗ trợ cho các con về trang thiết bị nhưng lại tăng yêu cầu đối với học sinh khiếm thị.
“Chúng tôi phải dùng từ "chạy đua" theo tất cả các nghĩa. Học sinh khiếm thị phải đua về các khoản đóng góp, phải đua trong học tập trên lớp với học sinh sáng mắt. Trong khi trường Nguyễn Đình Chiểu ngay từ lúc thành lập đã đặt mục tiêu là ngôi nhà đặc biệt của trẻ khiếm thị, phải dành mọi ưu tiên cho chúng.
Gần đây, tôi thấy con nói rất lo lắng cho việc học tập, khi không thể theo kịp học sinh sáng mắt. Con không có đề cương ôn tập bằng chữ nổi để học mà phải làm bài tập như học sinh sáng mắt.
Khi chúng tôi thắc mắc, lãnh đạo nhà trường nói rằng, để trẻ nhanh hòa nhập, thì phải tự làm tất cả mọi việc, yêu cầu học tập cũng phải cao như học sinh sáng mắt. Con chúng tôi đã thiệt thòi lắm rồi, làm sao mà đua nổi chứ…” – một phụ huynh bức xúc chia sẻ.
Tăng nhiều khoản thu
Ngoài ra, trong đơn gửi đến Báo Lao Động, phụ huynh cũng cho biết, tiền bữa ăn của học sinh khiếm thị bán trú và nội trú trong trường bị tăng lên rất cao so với trước.
Cụ thể, lúc trước, học sinh nội trú chỉ mất 35.000 đồng/ngày/3 bữa ăn. Gần 200 học sinh khiếm thị trong trường có bếp ăn riêng, do nhân viên của trường nấu và phụ huynh không phải đóng thêm các khoản tiền như chăm sóc nội trú, bán trú.
Tuy nhiên, từ tháng 9.2017, lấy lý do các đoàn thanh tra đến yêu cầu không được duy trì hai bếp ăn, nhà trường đề nghị để Cty Hương Việt Sinh (đang cung cấp suất ăn cho học sinh sáng mắt trong trường) đảm đương luôn suất ăn cho cả học sinh khiếm thị.
“Nhà trường nói đưa công ty ngoài vào nấu để suất ăn đảm bảo hơn, ngoài ra còn được phía công ty hỗ trợ về công nấu, chăm sóc. Nhưng tại sao trước đây chúng tôi chỉ đóng có 35.000 đồng/ngày, giờ tăng lên thành 62.000 đồng/ngày/học sinh THCS và 58.000 đồng/ngày/học sinh tiểu học đang ở nội trú trong trường. Chưa kể, các cháu ở bán trú sẽ đóng thêm 50.000/tháng, ở nội trú là 100.000/tháng tiền công chăm sóc.
Chúng tôi có hỏi con, bữa ăn bán trú bây giờ có ngon không, con bảo, bình thường. Ăn có no không, con bảo, như ngày trước. Nếu như vậy, tại sao chúng tôi phải đóng tăng gần gấp đôi tiền so với trước đây? Hiện nay, nếu học sinh ở nội trú, gia đình sẽ phải đóng tổng cộng từ 1,2 lên tới gần 2 triệu đồng/tháng. Nó thực sự quá sức với nhiều gia đình” – phụ huynh chia sẻ.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, từ năm nay, học sinh THCS khiếm thị sẽ phải đóng học phí như học sinh sáng mắt. Nhà trường cũng thu 100.000 đồng/kỳ tiền mua dụng cụ thiết bị cho các con khiếm thị. Trước đây không hề phải đóng những khoản này.
“Các loại tiền đều tăng, chưa kể khi nhà trường kêu gọi xây ngôi nhà nghệ thuật hay các công trình gì đó, phụ huynh đều đóng góp, có đợt lên đến 1,5 triệu đồng/học sinh. Dù nhà trường nói không bắt buộc, nhưng khi phổ biến xuống, nói thật chúng tôi không có tiền cũng cố, vì con cái còn học lâu dài ở đó” – phụ huynh ngậm ngùi.
Bị phản ứng, nhà trường “giải tán” BPH khối khiếm thị?
Theo chia sẻ của phụ huynh, khi họp bàn về việc tăng tiền ăn, người trong ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị có ý kiến về việc này, ngay sau đó, Hiệu trưởng đã tuyên bố “giải tán” ban.
Trong khi ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị hoạt động từ 10 năm nay, chăm lo, quan tâm và bảo vệ quyền lợi của học sinh khiếm thị. Ban này do tất cả phụ huynh có con khiếm thị học trong trường bầu lên và chỉ phụ huynh mới có quyền quyết định việc giải tán, chứ không phải nhà trường.
Câu hỏi đặt ra: Có hay không vì lợi ích nhóm, nhà trường liên kết với công ty ngoài tăng tiền suất ăn bán trú của học sinh khiếm thị? Các "Mạnh Thường Quân" vẫn hỗ trợ, nhà nước có nhiều chính sách, tại sao các khoản đóng góp ngày càng tăng? Có phải vì bị ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị phản ứng, nên nhà trường giải tán ban này, chỉ giữ lại những người có thể trở thành “cánh tay nối dài” của mình?
(Còn tiếp: Bị phụ huynh tố tăng các khoản thu, lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu nói gì?)
Phụ huynh bức xúc vì phải đóng 12 khoản thu gần 3 triệu đồng Nhiều phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bức xúc vì phải ... |
Vụ phụ huynh căng băng rôn phản đối lạm thu: Kỷ luật hiệu trưởng Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị kỷ luật khiển trách vì đưa ra các khoản thu đầu năm ... |