Phòng, chống thiên tai năm 2024:Không để bị động, bất ngờ

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai năm 2024 có khả năng diễn biến cực đoan, trái quy luật.

Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm không bị động, bất ngờ.

thi-cong.jpg
Thi công các hạng mục công trình Trạm bơm La Làng (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức).

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp, dự báo từ nay đến tháng 5-2024, thành phố Hà Nội xuất hiện các loại hình thiên tai chủ yếu, như: Mưa đá, dông, lốc, sét, gió giật mạnh, hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trên các sông... Từ trung tuần tháng 5, xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn. Cuối tháng 5, các sông chảy qua địa phận thành phố Hà Nội có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn, với biên độ lũ lên từ 1m đến 2m.

Đặc biệt, từ tháng 6, thành phố Hà Nội có thể có nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm. Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới. Trên đất liền, thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, mà còn tạo nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng. Từ tháng 6 đến tháng 8, Hà Nội có khả năng xuất hiện từ 2 đến 4 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, với lượng mưa cao hơn cùng thời kỳ trung bình nhiều năm…

Trong khi đó, nhiều công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đã xuống cấp hoặc đang trong quá trình tu sửa, xây dựng mới, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Theo phản ánh của các huyện trọng điểm về thiên tai của thành phố, như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai…, nỗi lo lớn nhất trong mùa mưa bão sắp tới là nhiều trạm bơm tiêu úng đã bị xuống cấp, hư hỏng; nhiều sự cố sụt lún, thiếu cao trình trên đê các sông: Tích, Bùi, Đáy, Mỹ Hà… vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc chưa xây dựng xong công trình thay thế. Nhiều vi phạm đê điều, công trình thủy lợi chưa được xử lý triệt để.

Gấp rút chuẩn bị ứng phó

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 2-2-2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có Chỉ thị số 01/CT-UBND, yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, nhất là trong mùa mưa, bão.

Các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, rà soát khu vực nguy hiểm, trọng điểm, xung yếu, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn…

Mới đây nhất, ngày 28-3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành tập trung kiện toàn cơ quan phòng, chống thiên tai; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; kiểm tra, rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố, phù hợp thực tế từng địa phương, đơn vị…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, Sở đang tập trung đánh giá hiện trạng đê điều, công trình thủy lợi; xây dựng các phương án hộ đê, bảo vệ công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai, ứng phó ngập lụt, hạn hán, thiếu nước…

Còn theo lãnh đạo các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…, trong tháng 4 và đầu tháng 5 tới đây sẽ hoàn thành công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trên cơ sở đó, các huyện sẽ bổ sung đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai có khả năng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”… Hiện tại, các địa phương đang phối hợp với chủ đầu tư chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp, xây dựng mới công trình phòng, chống thiên tai.

Qua quan sát thực tế công trường xây dựng trạm bơm tiêu úng thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh trong ngày 29-3, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện thi công công trình. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội Đàm Văn Hân khẳng định, 4 dự án đầu tư xây dựng công trình tiêu úng tại huyện Chương Mỹ, gồm: Đầm Buộm, Mỹ Thượng, Mỹ Hạ, Nhân Lý và Trạm bơm La Làng ở huyện Mỹ Đức sẽ hoàn thành đúng và có khả năng vượt kế hoạch thành phố giao.

Để không bị động bất ngờ trước các tình huống thiên tai, ngoài sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, người dân Thủ đô cũng cần chủ động hơn nữa trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

https://hanoimoi.vn/phong-chong-thien-tai-nam-2024-khong-de-bi-dong-bat-ngo-662460.html

Kim Nhuệ / HNM.com.vn