Theo các chuyên gia, nhà quản lý: việc kiểm tra, rà soát, nhất là về phòng cháy chữa cháy đối với nhà trọ, chung cư mini cần tiến hành đồng bộ, triệt để, tránh “nước đến chân mới nhảy”.
Cần công khai lộ trình khắc phục
Mới đây, Hà Nội tiếp tục thành lập hơn 900 tổ công tác tổng rà soát, kiểm tra về phòng cháy chữa cháy tại các nhà trọ trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, cứ mỗi lần xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, Hà Nội lại yêu cầu tổng rà soát, nhưng cần rà soát một cách thực chất. Đó là phải công khai các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, rồi có lộ trình khắc phục.
Phát biểu tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý cư trú tại các nhà cho thuê trọ vừa diễn ra, trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, tình hình an ninh, trật tự cho hay, các khu nhà trọ, nhà cho thuê trong bối cảnh hiện tại diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn công dân thực hiện đăng ký tạm trú, lưu trú vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Lâm đề nghị sau khi kết thúc rà soát, công an cơ sở cần tập trung duy trì công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm, từ đó tham mưu giải pháp để quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của chủ cơ sở, đại diện pháp luật, người cho thuê, đồng thời đưa ra các giải pháp để “đón đầu” những tình huống phát sinh.
Khi đợt tổng kiểm tra, rà soát đã hoàn thành, sẽ không để phát sinh những vi phạm mới, nhất là đối với những hành vi cố ý lách luật, vi phạm các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần phải quy định về kỹ thuật tách sản xuất, dịch vụ có nguy cơ phát sinh cháy nổ ra khỏi nhà ở. Rà soát kỹ, kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh, sản xuất kết hợp lưu trú không đảm bảo an toàn cháy nổ, ảnh hưởng khu vực liền kề. Tiếp đó từng bước cải tạo các nhà liền kề, nhà ống trong ngõ nhỏ theo hướng có lối thoát hiểm thứ hai. Nếu không thể thiết kế PCCC an toàn thì bắt buộc phải đình chỉ.
Ngoài ra, dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại kỳ họp thứ 7 này cần xem xét, nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn về quản lý loại hình nhà ở kết hợp cho thuê trọ. “Cần chi tiết để có chế tài xử lý phù hợp với loại hình này, tránh xảy ra các vụ cháy thương tâm”, ông Phú nói.
Tiếp cận dưới góc độ các quy định của pháp lý, luật sư Trịnh Hữu Đức - Hội Luật gia Việt Nam, hiện nay pháp luật Nhà nước không cấm mô hình nhà ở riêng lẻ để phục vụ kinh doanh kết hợp với mục đích để ở.
Tuy nhiên, theo ông Đức, vấn đề hiện nay là những quy định riêng dành cho loại hình này, trong khi hệ thống văn bản pháp quy đang đi sau thực tế, chưa dự báo, lường trước được những phát sinh có thể xảy ra và chỉ khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Hệ hụy của “làng lên phố”
Theo báo cáo của quận Cầu Giấy, địa bàn có 3.328 cơ sở nhà trọ, tăng 213 cơ sở so với năm 2023. Trong số này, có đến 1.513 công trình là nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ. Sau rà soát, đơn vị chức năng của quận cho biết, có gần 3.200 cơ sở nhà trọ không đảm bảo ngăn cháy lan, không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy; trên 2.800 nhà trọ không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn và gần 3.000 cơ sở có hệ thống báo cháy không đảm bảo...
Bên cạnh đó, trong báo cáo cũng chỉ ra hàng loạt bất cập khác như cơ sở có hệ thống kỹ thuật không đảm bảo, khu vực sạc xe điện không được thiết kế giải pháp ngăn cháy lan, cơ sở nằm trong ngõ sâu khiến xe chữa cháy khó tiếp cận, không có lối thoát nạn dự phòng...
Liên quan đến vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các vụ cháy xảy ra là hệ quả của quá trình “làng lên phố” và quy hoạch nhà, vừa ở vừa kinh doanh.
“Khi làng lên phố, người dân đã cơi nới nhà ở khiến đường trở nên chật hẹp. Thực tế, con hẻm từ ngoài vào sâu bên trong khu vực có ngôi nhà bị cháy dài 300m nhưng có tới 5 góc cua. Càng vào sâu trong, hẻm càng thu hẹp thêm. Con hẻm nhỏ tới mức chỉ 1 chiếc xe máy đi qua được” - Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
hó Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy định pháp luật cần chặt chẽ hơn, sát thực tế và phù hợp hơn. Đồng thời, khi phát triển các khu đô thị mới cần quy hoạch bài bản hơn và đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và an toàn về PCCC.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam rằng, vụ hỏa hoạn xảy ra trên phố Trung Kính là câu chuyện không hề mới, bởi một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra vào tháng 9 năm ngoái tại chung cư mini ở Khương Hạ.
Do đó, ông cho rằng các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý các cấp, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cấp phép, thiết kế, điều kiện phòng cháy, chữa cháy, điều kiện kinh doanh của căn nhà xảy ra cháy nói riêng, các căn hộ cho thuê khác nói chung.
Giải pháp nào để an cư cho nhà trọ, chung cư mini
Các chuyên gia cho rằng không nên cấm một cách cực đoan loại hình nhà ở ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn ngày càng cao trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại vừa túi tiền còn khan hiếm. Tuy nhiên, cần có thêm cơ chế siết chặt về quản lý.
PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững đưa ra một số lưu ý đối với loại hình nhà trọ, chung cư mini.
Thứ nhất, đó là cần đánh giá tác động cả môi trường ở và khu dân cư trước khi cấp phép xây dựng.
Thứ hai, cần có quy định chi tiết hóa các tiêu chuẩn cơ bản cho chung cư mini, không để tình trạng đội lốt nhà ở đơn lẻ (nhà ống) để cấp phép, phạt cho tồn tại. Đồng thời, quản lý năng lượng như tự động ngắt thiết bị, kiểm soát theo tầng và giới hạn sử dụng điện trong giờ cao điểm; các hệ thống an toàn như hệ thống chống cháy, giám sát các hệ thống thoát người khẩn cấp; hay các hệ thống quản lý an ninh như camera giám sát tất cả các lối vào, lối ra, đường thoát khẩn cấp…
Trên thực tế, hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn xây nhà cho thuê riêng lẻ, mà vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn nhà ở cá nhân, xây dựng tự phát. Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng về quy định tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê thì không quy định cụ thể về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, mà chỉ có những quy định chung.
Trong khi đó, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng về nhà chung cư quy định phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh, với diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2. Do vậy, theo các chuyên gia, một giải pháp khác là sớm ban hành những tiêu chuẩn về thiết kế nhà cho thuê để tránh rơi vào tình trạng xây dựng tự phát dẫn tới khó quản lý như thời gian qua.
Bên cạnh đó, việc tăng cường cung cấp nhà ở xã hội được xem là giải pháp tối ưu để giảm thiểu hỏa hoạn khu dân cư các thành phố lớn. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với các giải pháp đồng bộ cần đòi hỏi sự quan tâm từ các nhà quản lý.
Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu về nhà ở của người dân để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất ở vị trí thuận tiện, quy mô phù hợp với nhu cầu của người dân với đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước,...
Ngoài các chính sách phát triển loại hình này cũng cần có các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhất là tại các thành phố lớn nhằm giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội được an cư an toàn.