Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ phản ánh việc bán vốn sai quy định

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Y tế về việc kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến thoái vốn nhà nước, sáp nhập giữa Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast) vào Tổng công ty Thiết bị Y tế - CTPT (Vinamed).

Theo đó, bà Lê Thị Minh Châu (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã có đơn gửi Phó Thủ tướng phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến thoái vốn nhà nước, sáp nhập giữa Mediplast vào Vinamed.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra làm rõ phản ánh, kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu về việc Hội đồng quản trị Vinamed bán 750.000 cổ phần (tương đương 45,5% vốn điều lệ) của Mediplast và bán hết 9% vốn tại Danameco.

Kiến nghị phản ánh việc bán vốn vi phạm quy định của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ và việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước tại Vinamed từ 20% xuống 14%, trái với Quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinamed (Nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2017.

Việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed, gây dư luận không tốt về công tác cổ phần hóa trên các báo, đài.

Được biết, tháng 5/2017, CTCP Nhựa Y tế Mediplast đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 về việc sáp nhập Mediplast vào Tổng công ty thiết bị y tế (Vinamed) thông qua hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 3:1.

Nhiều cổ đông Mediplast phản đối tỷ lệ hoán đổi, muốn định giá lại tài sản công ty. Lý do mà các cổ đông đưa ra là bởi định giá tài sản và quy trình định giá, xin chủ trương M&A mà không phải phản đối việc sáp nhập. Dù vậy, phương án trên vẫn được thông qua.

Trong khoảng thời gian từ 31/12/2016 đến tháng 4/2017, ngay trước thềm ĐHĐCĐ bất thường, Vinamed đã chuyển nhượng 45% vốn Mediplast và chỉ còn sở hữu 23,86% vốn tại doanh nghiệp này. Vinamed với vai trò là bên liên quan trong phương án phát hành cổ phiếu để sáp nhập nên 23,86% vốn của cổ đông này đã không có quyền tham gia biểu quyết. Việc bán vốn này không được công bố thông tin trước đó mà chỉ được biết khi Vinamed công bố phương án sáp nhập.

Tại ĐHĐCĐ bất thường do Vinamed tổ chức, nội dung này cũng đã được thông qua. Tuy nhiên, hơn 20% cổ đông không tán thành việc sáp nhập.

Ngày 14/9, Vinamed đã công bố việc Mediplast đã chính thức sáp nhập vào Vinamed theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp.

/ Theo Thời báo Ngân hàng