“Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 4.8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tình hình Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Đánh giá về thời điểm khởi phát dịch bệnh, Nhóm phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ cho biết, mô hình dự đoán dựa trên các dữ liệu về số lượng người ra vào Bệnh viện Đà Nẵng, hệ số lây nhiễm,… đối chiếu với diễn biến thực tiễn và thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, có thể nói dịch bắt đầu từ tuần đầu tháng 7. Ổ dịch cơ bản tập trung vào khu 3 bệnh viện, đã được phong tỏa,…
Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, căn cứ những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh Quảng Nam, tới đây Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chống dịch cho Quảng Nam như đã làm với Đà Nẵng.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh VGP |
Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất nhận định tình hình và đưa ra các biện pháp ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.
Nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, phải thiết lập trạng thái bình thường mới
Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên cả nước, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia nhấn mạnh với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000 km nên nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.
Ban Chỉ đạo cho rằng, đất nước vẫn phải sản xuất, kinh doanh, vẫn phải giải trí, làm những việc cần thiết trong cuộc sống, nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch.
Theo đó, phải phát hiện thật nhanh, khoanh thật sớm ở quy mô nhỏ nhất có thế. Các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế. Người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Phát hiện ngay mọi rò rỉ, nhất là nơi xung yếu và bịt lại
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể. Mặt khác cũng phải siết chặt lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế.
“Cuộc chiến này còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên thế giới, rất nhiều nước do lơi lỏng, dịch bệnh đã quay lại, bùng phát thành làn sóng mới, đe dọa rất nghiêm trọng. Dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp.
Theo Phó Thủ tướng, “giống như bảo vệ tuyến đê trong mùa lũ, điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất. Mọi rò rỉ, nhất là ở nơi xung yếu, phải được phát hiện ngay và bịt lại. Khu vực yếu nhất trong phòng, chống dịch là các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Chỗ xung yếu của xung yếu là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân có các bệnh nền điều trị dài ngày như hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo. Các cấp chính quyền, ngày y tế phải tập trung vào các khâu, điểm xung yếu”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi, có bệnh nền, siết lại kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mọi người đến khám bệnh và nhân viên y tế. Mỗi một sự cố xảy ra là một bài học và không được để bài học đó thành vô nghĩa nếu để lặp lại”.
Quyết không để câu chuyện giãn cách xã hội trên diện rộng quay trở lại
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch. Các cơ quan truyền thông sử dụng tối đa các phương tiện, hình thức truyền tải để lan truyền những hướng dẫn, chỉ định chuyên ngành cho phù hợp với tình hình mới. Các địa phương phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra.
Nếu thực hiện tốt, chúng ta hoàn toàn có lòng tin sẽ chống được dịch bệnh, có cuộc sống, sản xuất kinh doanh bình thường mới, phát triển được.
“Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vương Trần
|