Phim cài cắm "đường lưỡi bò" ra rạp Việt - vì quá chủ quan?

Việc để lọt ra rạp hình ảnh liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo thêm một lần nữa công chúng phải đặt dấu hỏi với nhà phát hành và Cục Điện ảnh.

Abominable được phát hành tại Việt Nam từ 4/10 dưới tựa Everest - Người tuyết bé nhỏ. Phải sau khoảng 10 ngày phim ra rạp, mới có khán giả tinh ý phát hiện ra rằng tác phẩm hoạt hình dễ thương chứa đựng tấm bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” trong một phân cảnh phim.

Sau Điệp vụ Biển Đỏ hồi 2018, lại có thêm một bộ phim nữa chứa đựng những hình ảnh liên quan tới chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo với thông tin sai lệch, không có lợi cho quốc gia, lọt ra các rạp chiếu phim ngay tại Việt Nam.

Trung Quốc tuyên truyền ngày một tinh vi

Abominable thực chất là một dự án do Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất, cụ thể là hai hãng phim DreamWorks Animation và Pearl Studio. Pearl Studio từng mang tên Oriental DreamWorks, và vốn là đơn vị liên doanh giữa DreamWorks Animation với một số nhà đầu tư của quốc gia tỷ dân khu vực Đông Á.

Pearl Studio từng tham gia sản xuất một số dự án đình đám của DreamWorks như How to Train Your Dragon 2 (2014), Kung Fu Panda 3 (2016). Sau Abominable, hãng đang rục rịch cho ra mắt Over The Moon, cũng như một phiên bản hoạt hình mới về Tôn Ngộ Không.

Hình ảnh trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ. 

Trong khoảng vài năm trở lại đây, các xuất phẩm hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc không còn hiếm nữa. Thị trường điện ảnh Trung Quốc vẫn ngày một lớn mạnh, như việc Chiến Lang 2 từng thu tới gần 875 triệu USD chỉ tại riêng quê nhà - một phần cũng nhờ những chính sách hậu thuẫn của chính phủ.

Hay ngay cả Điệp vụ Biển Đỏ cũng gây sốt tại quê hương với 579 triệu USD nội địa. Và đây là cơ hội để người Trung Quốc có thể lồng ghép những thông điệp chính trị ngầm vào trong các tác phẩm ăn khách.

Cũng không phải tự nhiên một một nữ diễn viên Trung Quốc được đánh giá như “bình hoa di động”, có nét biểu cảm y hệt từ đầu tới cuối, liên tục được xuất hiện trong các dự án bom tấn Hollywood. Và công chúng cũng không còn ngạc nhiên trước cụm từ “giải cứu bởi Trung Quốc” khi một số dự án điện ảnh trở thành “bom xịt” tại quê hương Bắc Mỹ.

Tất cả cho thấy thứ quyền lực mềm mà người Trung Quốc đang nắm giữ. Cụ thể là việc họ có thể ngang nhiên đưa tấm bản đồ có hình “đường lưỡi bò” vốn bị chính phủ Việt Nam phản đối bấy lâu nay vào Abominable. Ngay cả khi ai đó có “ý kiến”, DreamWorks Animation rất khó đưa ra thay đổi. Họ buộc phải chiều lòng thị trường điện ảnh quá sức màu mỡ tại khu vực châu Á, dù cho đó là điều sai trái.

Chi tiết ở Abominable đủ khiến khán giả Việt Nam phải giật mình. Tấm bản đồ có ghi “chuyến đi dọc Trung Quốc của chúng ta”. Ở đây, cô bé Yi muốn đặt chân tới những nơi mà người cha quá cố từng thưởng lãm. Nhìn xuống bên dưới, một điểm đến của chuyến hành trình nằm ở miền Bắc Việt Nam, với hình ảnh ruộng bậc thang quen thuộc. Đó chắc chắn không phải là nơi thuộc về Trung Quốc.

Trách nhiệm thuộc về Cục Điện ảnh

Mãi tới 10 ngày sau khi ra rạp, Abominable mới bị phát hiện là “có vấn đề”. Như vậy, từ quá trình kiểm duyệt của Cục Điện ảnh, các buổi chiếu sớm họp báo, cho tới hàng loạt suất chiếu đại chúng, tất cả đều đã bỏ qua tình tiết này.

Giống như trường hợp Điệp vụ Biển Đỏ, đơn vị phát hành CJ CGV lại lặng lẽ rút toàn bộ suất chiếu của Abominable, cũng như các tài liệu quảng cáo trên mạng Internet liên quan tới tác phẩm.

 Tấm bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” trong một phân cảnh phim.

Về phía Cục Điện ảnh, Cục trưởng Nguyễn Thu Hà đã nhận trách nhiệm, đồng thời sẽ cảnh giác hơn, để công việc  của hội đồng được thận trọng hơn.

Việc để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” trong Abominable đã xảy ra, không thể thu hồi. Ít nhất thì phát biểu của bà Nguyễn Thu Hà bước đầu cho thấy phía Cục Điện ảnh sẽ không né tránh trách nhiệm như lần Điệp vụ Biển Đỏ. Cách đây hai năm, kết luận cuối cùng từ cơ quan chủ quản Bộ Văn hóa là tác phẩm quân sự không liên quan tới vấn đề biển đảo trong sự chưng hửng của công chúng.

Lần này, các phía xem ra đã chủ quan trước một tác phẩm hoạt hình - thể loại thường được gắn nhãn G (dành cho mọi lứa tuổi) tại Việt Nam. Bản thân phía nhà phát hành cùng Cục Điện ảnh nên tỏ ra tỉnh táo và cẩn thận hơn trước những chiêu bài của người Trung Quốc và các xuất phẩm văn hóa của họ. 

/ vtc.vn