Philippines nói Trung Quốc sẽ không chiếm thực thể mới ở Biển Đông

Philippines cho rằng Trung Quốc cam kết không mở rộng hoạt động ở Biển Đông, cùng Manila thúc đẩy hợp tác dầu khí.

philippines noi trung quoc se khong chiem thuc the moi o bien dong
Trung Quốc cam kết không chiếm thêm thực thể ở Biển Đông. Ảnh minh hoạ: Reuters

Trung Quốc cam kết sẽ không chiếm giữ các thực thể hay khu vực mới ở Biển Đông, theo một "nguyên trạng mới" do Manila đưa ra, khi hai nước nỗ lực tăng cường hợp tác, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm qua cho hay.

Ông Lorenzana nói trước phiên điều trần của quốc hội, cho biết Philippines và Trung Quốc đã đạt được một "thoả thuận", còn gọi là một cách thống nhất nhằm ngăn chặn việc chiếm giữ các đảo mới ở Biển Đông, theo Reuters.

Trung Quốc cũng đảm bảo sẽ không xây dựng ở bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa hai nước, nơi bị Bắc Kinh chiếm giữ từ 2012.

Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và các chuyên gia cho rằng ba trong số này có các điều kiện để máy bay chiến đấu hoạt động. Ba đảo nhân tạo có đường băng, radar và tên lửa đất đối không, những cơ sở Bắc Kinh cho biết dùng để phòng thủ.

Khi các nghị sĩ Philippines nhắc đến các báo cáo từ quân đội, cho hay 5 tàu của Trung Quốc xuất hiện chỉ cách đảo Thị Tứ 5 km hôm 12/8, ông Lorenzana không bình luận. Đây là đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, do Philippines chiếm đóng trái phép.

Cũng trong phiên điều trần của quốc hội, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết nước này đang xúc tiến một "thoả thuận thương mại" với Trung Quốc để thăm dò và khai thác các nguồn dầu khí ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, với mục tiêu bắt đầu khoan trong vòng một năm.

Ông Cayetano trấn an các nghị sĩ rằng bất kỳ thoả thuận nào với Trung Quốc sẽ không vi phạm Hiến pháp, theo tỷ lệ chia doanh thu là 60 - 40, nghiêng về phía Philippines.

Ngoại trưởng Philippines gợi ý hợp tác với Trung Quốc có thể tốt hơn dự án khai thác khí gas Malampaya ngoài khơi đảo Palawan mà chính phủ đang triển khai với Chevron. Malampaya sẽ cạn kiệt vào năm 2024. Ông Cayetano không nói thêm chi tiết về thảo luận và tên đối tác Trung Quốc, đề nghị quốc hội có một phiên họp riêng.

/ Khánh Lynh/VnExpress