Hải quân Philippines tin rằng việc dùng nhiều xuồng cao tốc trang bị tên lửa sẽ giúp họ đối phó được các tàu chiến có kích thước lớn hơn.
Một chiếc xuồng MPAC của Philippines. Ảnh: Tapatalk.
Hải quân Philippines đang phát triển học thuyết tác chiến "tấn công bầy đàn" dành cho các xuồng tấn công đa nhiệm (MPAC) nhằm đối phó với mối đe dọa từ các tàu chiến lớn của nước ngoài xâm phạm lãnh hải, hãng thông tấn Philippines PNA ngày 25/11 đưa tin.
"Theo chiến thuật mới, nhiều xuồng MPAC có tốc độ cao, cơ động và được trang bị tên lửa sẽ cùng tham chiến và vô hiệu hóa mục tiêu", phát ngôn viên hải quân Philippines Jonathan Zata khẳng định, đồng thời cho biết vũ khí trên các xuồng MPAC cũng được tối ưu hóa cho chiến thuật tấn công chớp nhoáng trong trường hợp cần thiết.
MPAC do tập đoàn đóng tàu Propmech của Philippines phát triển và được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017. Xuồng có thể đạt vận tốc đối đa 72 km/h và thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra và yểm trợ hỏa lực cho bộ binh nhờ được trang bị súng máy, tên lửa và nhiều loại vũ khí khác.
Hồi đầu tháng 8, hải quân Philippines lần đầu phóng thử thành công tên lửa tầm ngắn "Spike-ER" do Israel chế tạo từ một chiếc MPAC tại thao trường Lamao Point, thuộc vùng biển phía đông của tỉnh Bataan. Đây là tên lửa đầu tiên của hải quân Philippines có khả năng xuyên thủng 1.000 mm thép cán đồng nhất và có tầm bắn khoảng 8 km.
Sau cuộc thử nghiệm, Tư lệnh hải quân Philippines Robert Empedrad công nhận năng lực tác chiến của xuồng và tuyên bố Manila cần thêm ít nhất 42 chiếc MPAC để tăng cường năng lực bảo vệ lãnh hải.
"Khi chúng ta đang bị vây hãm, nếu những xuồng này hoạt động cùng lúc, chúng có thể đối phó với mọi mối đe dọa", Empedrad nhấn mạnh.
Philippines đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là tại bãi cạn Scarborough. Trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte theo đuổi chính sách thân Trung Quốc để đổi lấy các khoản hỗ trợ về kinh tế, quân đội nước này lại muốn duy trì quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và thể hiện lập trường cứng rắn hơn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc dự định xây căn cứ trí tuệ nhân tạo tại Biển Đông
Ngoài mục đích nghiên cứu, dự án mới của Bắc Kinh bị nghi ngờ nhằm phục vụ chính trị, nhưng sẽ gặp phải nhiều thách ... |
ASEAN và Bắc Kinh trên Biển Đông
Liên quan việc Trung Quốc và Philippines tuần qua tuyên bố thỏa thuận hợp tác phát triển dầu khí trên Biển Đông, thông tin chi ... |