Philippines đệ phản đối tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Philippines đệ phản đối ngoại giao về "hoạt động và sự hiện diện" của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ mà Manila chiếm đóng tại Trường Sa.

"Chúng tôi đã gửi thông báo ngoại giao nhằm phản đối đợt triển khai kéo dài, hiện diện thường trực và hoạt động trái phép của tàu cá, cũng như lực lượng hàng hải Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi khu vực", Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay ra thông cáo cho biết. Phản đối được gửi vào ngày hôm qua.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa bình luận về thông tin này.

Philippines đệ phản đối tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Đường băng và âu tàu Philippines xây dựng trái phép trên đảo Thị Tứ. Ảnh: AMTI.

Philippines hồi tháng 3 cáo buộc hơn 200 tàu "dân quân biển" Trung Quốc tập trung neo đậu tại đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Manila khi đó nhiều lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh, cho rằng các tàu dân quân biển Trung Quốc có hành vi "đe dọa an toàn hàng hải và tính mạng" ngư dân của họ.

Phần lớn đội tàu này đã rời khỏi bãi Ba Đầu, tỏa ra các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa sau khi nhiều nước lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc vẫn duy trì vài tàu neo đậu tại đây.

Đến tháng 5, Philippines cáo buộc Trung Quốc tiếp tục điều thêm 100 tàu dân quân biển đến khu vực.

Thị Tứ là thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Manila năm ngoái phân bổ 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng và cải tạo công trình trên đảo, trong đó có dự án "bê tông hóa đường băng". Đường băng này được Philippines xây dựng trái phép trên đảo Thị Tứ từ thập niên 1970, nhưng đã bị nước biển làm xói lở cùng bề mặt đường băng xấu khiến máy bay khó cất hạ cánh.

Trong cuộc họp báo hôm 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị", bà Hằng nói, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Philippines tăng 8 lần số chuyến tuần tra Biển Đông Philippines tăng 8 lần số chuyến tuần tra Biển Đông
Philippines nói gần 300 tàu Trung Quốc xuất hiện gần Trường Sa Philippines nói gần 300 tàu Trung Quốc xuất hiện gần Trường Sa
/ vnexpress.net