Ngày 12/3, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, đã nhận được một số đề xuất của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề hàng hải ở Biển Đông nhưng cho rằng trong đó có nội dung đi ngược với luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định Manila sẽ không xem xét những đề xuất này vì đi ngược lại lợi ích quốc gia của quốc đảo Đông Nam Á này.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, trong số các đề xuất từ Trung Quốc, có một nội dung Bắc Kinh "khăng khăng thực hiện những hành động được coi là chấp nhận hoặc thừa nhận quyền kiểm soát và quản lý của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Mây". Do đó, Manila cho rằng những đề xuất như vậy "vi phạm hiến pháp hoặc luật pháp quốc tế".
Bình luận trên của Bộ Ngoại giao Philippines được đưa ra nhằm phản hồi một bài báo trên tờ Manila Times dẫn lời một "quan chức cấp cao Trung Quốc" giấu tên tiết lộ Bắc Kinh đã gửi các đề xuất nhằm bình thường hóa tình hình tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông nhưng lại "không nhận được phản hồi" từ phía Chính phủ Philippines.
Bộ Ngoại giao Phillippines phủ nhận cáo buộc của quan chức Trung Quốc, khẳng định Manila "không hề phớt lờ các đề xuất" của Bắc Kinh.
Bộ này nêu rõ: "Ngay từ đầu, Bộ Ngoại giao muốn nhấn mạnh rằng Philippines đang tiếp cận những cuộc đàm phán bí mật này với sự chân thành và niềm tin cao nhất. Vì vậy, chúng tôi ngạc nhiên trước việc Trung Quốc tiết lộ các thông tin nhạy cảm của những cuộc thảo luận song phương".
Theo Manila Times, trước đó, Trung Quốc đã đưa ra 11 tài liệu đề xuất về cách thức để quản lý Bãi Cỏ Mây và các vấn đề đánh bắt cá ở Bãi cạn Scarborough.
Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Philippines kiểm soát trái phép.
Liên quan tới những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam rất quan ngại về căng thẳng gần đây ở Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".
Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.