Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, nước này sẽ không di dời tàu chiến bị đánh chìm tại bãi Cỏ Mây (thuộc chủ quyền Việt Nam) theo yêu cầu Trung Quốc.
Hôm 24/11, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana bác yêu sách Trung Quốc về di dời tàu chiến bị đánh chìm tại bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh nói Manila đã không thực thi cam kết di dời tàu chiến BRP Sierra Madre khỏi bãi Cỏ Mây.
“Tàu BRP Sierra Madre đã nằm ở đó từ năm 1999. Nếu thực sự có cam kết nào đó, con tàu hiển nhiên đã phải được di dời từ lâu”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho hay.
Theo ông Lorenzana, Trung Quốc cần tuân thủ nghĩa vụ quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là bên ký kết.
Tàu chiến BRP Sierra Madre. (Ảnh: Reuters) |
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines dẫn phán quyết Tòa trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh theo yêu sách “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý.
Phản ứng của Philippines được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 24/11 cho rằng, Bắc Kinh yêu cầu Manila “tôn trọng cam kết và di dời tàu đánh đắm bất hợp pháp”.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines đánh chìm có chủ đích tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre, ủi lên bãi Cỏ Mây, biến nó thành cứ điểm nổi ở bãi Cỏ Mây năm 1999.
Tàu BRP Sierra Madre dài khoảng 100m, được hải quân Mỹ chuyển giao cho phía Philippines. Đây là tàu đổ bộ xe tăng được chế tạo do Mỹ chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trung Quốc và Philippines gia tăng căng thẳng sau khi Manila tố tàu hải cảnh Bắc Kinh có hành động cản trở, phun vòi rồng nhằm vào tàu Philippines đang trên hành trình tiếp tế lương thực cho lực lượng trên bãi Cỏ Mây hôm 16/11.
Lên tiếng trước thông tin tàu Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây, hôm 18/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung, là rõ ràng và nhất quán.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, bà Hằng nhấn mạnh.