Để thúc tiến độ triển khai thu phí không dừng, Bộ GTVT cho biết đang rà soát và xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó có tính tới một số chế tài xử phạt với những chủ xe không dán tem thu phí không dừng hoặc đi qua trạm BOT mà không có tiền trong thẻ thu phí không dừng. Thông tin này ngay lập tức vấp phải không ít ý kiến phản đối, đặc biệt là quanh cơ sở pháp lý của giải pháp này.
Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: K.H
Ép buộc dán tem hay bắt nạp tiền vào thẻ là bất hợp lý
Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc sử dụng thẻ, không thu tiền mặt trực tiếp sẽ giảm tải được thời gian, xăng dầu, tăng tính minh bạch. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang là vấn đề lo ngại và cần phải tính tới.
Theo đó, để triển khai mỗi chủ xe cần phải tạo một tài khoản để thanh toán mỗi khi đi qua các trạm thu phí nhưng để làm luôn là chưa thể được, cần phải dần dần và có lộ trình. Luật sư này cho rằng, chủ phương tiện xe có quyền trả bằng tiền mặt chứ không thể bắt họ phải trả bằng tiền qua thẻ. Trường hợp khi người lái xe không đủ tiền trong tài khoản và phải trả bằng tiền mặt, phải có người thu để đáp ứng nhu cầu của họ.
“Trong luật không hề quy định việc khi một khách hàng sử dụng dịch vụ mà trong thẻ của người đó không có tiền thì bị xử lý và xử phạt vì vi phạm luật. Điều đó là không thể và bất hợp lý. Việt Nam chưa hề cấm thu tiền mặt” - luật sư Ứng nêu.
Chia sẻ quan điểm với báo giới, luật sư Nguyễn Phương Tuyến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng như Bộ GTVT cần nghiêm túc nhìn nhận lại các quyết định của mình dựa trên khía cạnh pháp lý chứ không đơn giản chỉ là đưa ra lời nói và không thể gây sức ép với chủ xe hay bỏ qua những quy định khác về pháp luật.
Cùng quan điểm, một chuyên gia giao thông nhận định quan hệ giữa chủ phương tiện và đơn vị triển khai dịch vụ thu phí không dừng như VETC chỉ là quan hệ dân sự nên không thể có sự ép buộc.
Liên quan tới thông tin Tổng cục Đường bộ sẽ xem xét đề xuất sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông để xử phạt các chủ xe không dán tem thu phí không dừng hay đi qua trạm BOT mà không có tiền trong thẻ thu phí không dừng, chuyên gia này cho rằng sẽ không khả thi, thậm chí trái luật vì trong luật xử phạt vi phạm hành chính hay luật giao thông không có quy định đó là hành vi vi phạm pháp luật nên “không thể sửa nghị định là xong, nếu muốn sửa phải sửa từ luật và điều này là không ổn”.
Khuyến khích và chưa có đề xuất xử phạt
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị phụ trách việc rà soát, đề xuất xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề thu phí không dừng) - cho rằng có những điểm dư luận đang hiểu chưa rõ.
Theo bà Hạnh, hiện Bộ GTVT xây dựng thông tư hướng dẫn Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng với nhiều nội dung và trên cơ sở có nội dung nào liên quan tới nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông sẽ đề xuất sửa đổi “còn việc thu phí không dừng là trên tinh thần khuyến khích người dân, chứ không phải tìm cách đưa chế tài vào xử phạt”.
Bà Hạnh khẳng định về nguyên tắc trong Quyết định 07 quy định người dân có trách nhiệm phải thực hiện nên “thực ra là bắt buộc nhưng không phải trách nhiệm nào cũng dùng biện pháp xử phạt để thực hiện”.
Với thu phí không dừng, Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa có dự thảo hay đề xuất gì cụ thể. Bà Hạnh cũng khẳng định Bộ GTVT đang nghiên cứu để hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề thu phí không dừng chứ “không phải ép để xử phạt người dân”.
Trước đó, Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Văn Huyện - cho biết đang nghiên cứu quy định bắt buộc dán thẻ Etag cho các phương tiện và nghiên cứu, xây dựng sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, bổ sung hành lang pháp lý và trình Chính phủ phê duyệt mới ban hành triển khai xử phạt với những trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng. Cũng có thông tin khẳng định từ nay đến cuối năm 2018, hơn 2,3 triệu ôtô bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động, nếu không sẽ bị xử phạt và hiện cả nước mới dán thẻ thu phí tự động cho hơn 500.000 ôtô trên tổng số 2,8 triệu ôtô đang lưu hành.
Uber không có lỗi trong vụ xe tự lái tông chết người?
Giới chức trách Mỹ hôm 19-3 cho biết hãng Uber "có thể không có lỗi" trong vụ tai nạn ở TP Tempe, bang Arizona bất ... |
Thu giá tự động qua trạm BOT: Chủ trương hay nhưng dân vẫn “lắc đầu”
Ngày 5.3, sau khi Bộ GTVT khẳng định, quyết tâm dán tem thu giá tự động trên 3,2 triệu xe trên cả nước và đẩy ... |
Minh bạch tại các dự án BOT: 3,2 triệu ôtô sẽ phải dán tem thu giá tự động!
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ra thông điệp quyết tâm dán tem thu giá tự động cho 3,2 triệu xe trên toàn quốc trong năm ... |