Pháp: Tổng thống không phải "thần thánh"

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được ủy nhiệm cải cách đất nước khi lên nắm quyền năm ngoái nhưng những gì xảy ra vài tuần qua cho thấy đây đường như là chuyện bất khả thi.

Người dân thủ đô Paris chứng kiến nhiều chiếc xe bị đốt và cửa hàng bị đập phá. Một phần khu vực nông thôn bị tê liệt khi những người biểu tình trong áo ghi-lê vàng phong tỏa các con đường và kho nhiên liệu.

Sự đảo ngược chính sách khiến ông Marcon trông cũng kém mạnh mẽ như những người tiền nhiệm từng tìm cách thay đổi đất nước. Chính khách trẻ tuổi này từng hứa hẹn về một nhiệm kỳ tổng thống của "thần Jupiter" (vị thần tối cao trong thần thoại La Mã) nhưng nhiệm kỳ này hiện trông "phàm tục" hơn bao giờ hết.

Việc ông Macron đắc cử vào tháng 5-2017 dường như báo hiệu sự lạc quan mới về nước Pháp, châu Âu và thế giới. Khi đó, nhà lãnh đạo này trẻ tuổi và thông minh này đang tràn đầy ý tưởng biến nước Pháp trở nên cởi mở, năng động và tỉnh táo về tài chính hơn,

phap tong thong khong phai than thanh

Ông Emmanuel Macron từng hứa hẹn về một nhiệm kỳ tổng thống của "thần Jupiter" Ảnh: AP

Đã có lúc cuộc cách mạng Macron dường như không thể chặn lại.

Ông nhanh chóng thông qua những cải cách cần thiết lâu nay để giúp thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn. Những biện pháp cải cách giáo dục đề xuất những lớp học nhỏ hơn tại khu vực còn khó khăn và trao cho công dân nhiều quyền kiểm soát hơn đối với hoạt động đào tạo. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách đất nước lần đầu tiên đạt mức 3% GDP kể từ năm 2007, đáp ứng đòi hỏi của Hiệp ước Maastricht.

Dù vậy, trong quá trình theo đuổi các cải cách tham vọng, ông Macron quên mất một tổng thống Pháp không phải thần thánh hoặc vua chúa mà chỉ là một chính trị gia trong một nền dân chủ đòi hỏi phải liên tục có sự đồng thuận.

Ông dường như cũng quên mất rằng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử năm ngoái, 48% cử tri tỏ ra không hài lòng đến mức bỏ phiếu cho những ứng viên cực hữu, cực tả và cấp tiến.

Những người bị bỏ lại phía sau này vẫn còn đó nên việc tân tổng thống chọc giận họ một cách khinh suất là điều không khôn ngoan.

Một trong những bước đi đầu tiên của ông là cắt giảm thuế đánh vào người giàu. Loại thuế xưa cũ này tỏ ra không hiệu quả, không mang tính khích lệ và thường bị tránh né. Dù vậy, việc loại bỏ nó nên được tiến hành song song với những biện pháp hỗ trợ người đang vật lộn với cuộc sống.

Tương tự, việc tăng thuế nhiên liệu là chính sách xanh bền vững nhưng ông Macron lẽ ra nên chú ý nhiều hơn đến những người bị tổn thương nhiều nhất bởi động thái này – người dân sống tại thôn quê đang gặp khó và cần lái xe đi làm.

phap tong thong khong phai than thanh

Người biểu tình áo ghi-lê vàng gần TP Marseille xem ông Macron phát biểu trên truyền hình hôm 10-12. Ảnh: Reuters

Không gì lạ khi ông bị người chỉ trích gọi là "tổng thống của người giàu" và nhiều người Pháp tin vào điều này. Đó có lẽ là lý do giải thích việc 75% người ủng hộ người biểu tình áo ghi-lê vàng.

Ông Macron hy vọng quyết định hoãn tăng thuế nhiên liệu trong năm 2019 sẽ giúp giảm sức nóng của làn sóng biểu tình. Dù vậy, đây dường như là kịch bản khó xảy ra lúc này. Ngay cả nhiều người biểu tình ôn hòa đang đòi ông Macron từ chức hoặc một quốc hội mới.

Mặt khác, phản ứng hiện tại của chính phủ Pháp có nguy cơ phản tác dụng. Sự nhân nhượng chưa đủ xoa dịu người phản đối nhưng lại cho thấy ông Macron không chịu được sức ép của đám đông biểu tình bạo động ngoài đường phố, từ đó khích lệ sự ra đời của thêm nhiều nhóm người biểu tình như thế.

Có một số điều ông Macron có thể làm để cải thiện tình hình. Trước hết, ông cần chứng tỏ những ưu tiên của mình nằm ở đâu, chẳng hạn như một khoản trợ cấp hợp lý cho người được trả lương thấp để khuyến khích họ để làm việc.

Thứ hai, ông và chính phủ cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy và giải thích những điều tốt đẹp đã làm được nhưng chưa được đánh giá cao, như đầu tư vào học nghề hoặc các động thái sẽ khiến doanh nghiệp kí hợp đồng dài hạn với người lao động trẻ tuổi.

Cuối cùng, bản thân ông Macron cần phải thay đổi. Trong thời đại mà những người theo chủ nghĩa dân túy sẽ làm và nói bất cứ điều gì, một chính trị gia sẽ gặp khó trong việc thực thi chính sách khi không thể thuyết phục người bình thường rằng mình hiểu họ, thích họ và muốn giúp họ. Cải cách nước Pháp không cần đến sức mạnh siêu phàm mà chỉ cần sức mạnh của người thường đến từ sự kiên nhẫn, sức thuyết phục và khiêm tốn.

P.Võ (Lược dịch theo tạp chí The Economist)

/ https://nld.com.vn