Phải tăng hình phạt yêu râu xanh!

Việc xử lý nhiều vụ xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em theo kiểu giơ cao đánh khẽ đã gây bức xúc dư luận, đặt ra vấn đề cần sớm thay đổi luật theo hướng tăng nặng hình phạt

Hai mươi năm kinh nghiệm tư vấn qua điện thoại, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên, từng nghe nhiều cuộc gọi chia sẻ về bạo lực tình dục. Một số nạn nhân đã tố cáo thủ phạm gây bạo lực tình dục, hiếp dâm... là người địa vị cao, giàu có, ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Đánh tráo khái niệm để chạy tội

Bác sĩ Dương Minh Tâm - Trưởng Phòng Điều trị rối loạn liên quan stress Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng từng tiếp xúc những trường hợp điều trị thời gian khá dài nhưng tình trạng bệnh cải thiện chậm, bị rối loạn sang chấn điều trị mãi không khỏi. Khi đã thân tình, bác sĩ tỉ tê trò chuyện mới phát hiện họ bị xâm hại tình dục từ lúc nhỏ.

Theo bác sĩ Tâm, tỉ lệ phụ nữ, trẻ em bị lạm dụng tình dục ở Việt Nam khá lớn. Trường hợp điều trị rối loạn sang chấn liên quan đến quá khứ bị bạo hành, ấu dâm, lạm dụng tình dục khá nhiều nhưng hầu như bệnh nhân không bộc lộ điều này, kể cả với bác sĩ. Trong số này, chủ yếu bị người thân, người quen biết lạm dụng tình dục. Đứa trẻ sẽ rối loạn sang chấn nặng nề vì không biết chia sẻ với ai mà đành âm thầm chịu đựng.

phai tang hinh phat yeu rau xanh
Minh họa: KHỀU - Đồ họa: NGUYÊN LÂM

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng xâm hại 1.579 em.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho hay hiện nay, nước ta không có quy định cụ thể về hành vi dâm ô. Theo Công ước Quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký có quy định bất cứ những đụng chạm nào trên cơ thể em bé, kể cả ở vị trí nhạy cảm hay không nhạy cảm hoặc là những hành vi kể chuyện gợi tình, nói chuyện thiếu tế nhị… cũng được khép vào tội dâm ô.

Pháp luật Việt Nam chỉ quy định khi dùng sức mạnh trấn áp và đụng chạm vào những vị trí nhạy cảm của nạn nhân mới gọi là dâm ô. Điều này không đúng. Có những vụ phạm tội nhưng đối tượng gây án, thậm chí là cơ quan pháp luật, đánh tráo khái niệm để giảm nhẹ tội hoặc chạy tội" - ông An nói.

Đơn cử như vụ ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi; cựu viện phó VKSND Đà Nẵng) bị phát hiện ôm hôn bé gái thì lại lý giải là thấy bé dễ thương nên "nựng". Nhiều học sinh bị ông Dương Trọng Minh, giáo viên Trường Tiểu học Tiên Sơn (Bắc Giang), "sờ mông, sờ đùi" nhưng cơ quan chức năng kết luận là chỉ có hành vi không đúng mực.

Đưa quấy rối, tấn công tình dục vào luật

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng những quy định, định nghĩa về hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em ở Việt Nam đã quá cũ, không còn đúng với thực tế và Công ước Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc. Bộ Luật Hình sự của Việt Nam xây dựng từ năm 1985, đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thay đổi toàn diện đối với các quy định về xâm hại trẻ em.

Bà Loan cho rằng cần nghiên cứu sâu, toàn diện hơn để bảo đảm hành lang pháp lý bảo vệ hiệu quả trẻ em trước mọi hình thức xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Hành lang pháp lý phải hoàn thiện hơn để người dân biết được hành vi thế nào được coi là xâm hại trẻ em, thế nào là dâm ô, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Liên Hiệp Quốc. "Chúng ta phải tăng hiệu quả của công tác xét xử, thi hành án, xử lý đối với những người phạm tội để tạo công bằng và có sức răn đe. Hạn chế việc người phạm tội nhưng không bị xử lý hoặc xử lý quá nhẹ do thiếu chứng cứ, thiếu cơ sở pháp lý" - bà Loan nêu rõ.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM - thừa nhận mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc tố giác tội phạm về xâm hại tình dục ở phụ nữ và trẻ em, giúp các cơ quan tố tụng xác minh danh tính, hành vi của các đối tượng. Tuy nhiên, chỉ một số vụ được phát hiện kịp thời, còn rất nhiều vụ khác không bắt quả tang, thiếu người làm chứng, nạn nhân tuổi quá nhỏ và hạn chế năng lực nhận thức. Dường như mức hình phạt đối với loại tội phạm dâm ô, giao cấu chưa đủ sức răn đe nên nhiều người còn "giỡn mặt" với pháp luật.

Bà Nhuệ kiến nghị ngoài việc nâng mức án đối với việc dâm ô, ấu dâm, cần có những biện pháp thật nghiêm đối với "yêu râu xanh" như không cho những người này tại ngoại, nếu đủ chứng cứ phải tạm giam ngay vì có trường hợp kẻ dâm ô tại ngoại gây bức xúc trong dư luận, là nỗi sợ hãi của nhiều nạn nhân.

Hiện nay, pháp luật không xem hành vi quấy rối tình dục là phạm tội. Hành vi này chỉ bị chế tài theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt cao nhất là 300.000 đồng. Trước khi chờ sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Chính phủ cần xem xét sửa Nghị định 167 theo hướng nâng mức xử phạt hành vi quấy rối tình dục.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần phải nhanh chóng sửa đổi, nâng cao chất lượng việc xây dựng các văn bản dưới luật, làm sao để luật gần với cuộc sống.

"Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã vô tình trở thành sự nhạo báng đối với nhân phẩm và danh dự con người, là một sai lầm cần phải nhanh chóng loại bỏ. Tôi ủng hộ phương án sửa đổi các hành vi tấn công tình dục theo hướng tăng nặng liên quan đến tội phạm hình sự. "Tấn công tình dục" cũng cần được cụ thể hóa vào trong luật" - bà Hiền nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em - cũng cho rằng để phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cả thầy cô giáo, học sinh trong trường và gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là phải giáo dục, trang bị cho giáo viên, học sinh, phụ huynh cả về pháp lý, tâm lý và đạo đức.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, các vụ việc về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng vẫn có chiều hướng gia tăng một cách tiêu cực.

Để các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em đi vào thực tế đời sống, cần triển khai đồng bộ các biện pháp cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, biện pháp tuyên truyền đặt lên hàng đầu để cung cấp cho trẻ em những thông tin cần thiết, đầy đủ về môi trường mạng, đồng thời nâng cao nhận thức về tính cấp bách, sự nguy hiểm, mặt trái của môi trường mạng khi tác động đến trẻ em.
Sửa luật mới đủ răn đe

Tình hình xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gần đây có chiều hướng gia tăng về tần suất, về mức độ nguy hiểm và tính chất nghiêm trọng. Rõ ràng, hệ thống luật pháp có biểu hiện không đủ sức răn đe, cần phải được bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, cần tránh những biện pháp phản ứng tức thời, bị sức ép của dư luận vì sẽ không đem lại những giải pháp căn cơ, ổn định dài hạn.

Các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu ngay các vụ việc xảy ra gần đây, phân tích đúng nguyên nhân cho từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn với vụ tấn công và ép hôn một nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội thì hình thức và mức độ xử phạt không hợp lý và quá nhẹ. Có thể chưa đến mức xử lý hình sự nhưng sự việc là nghiêm trọng vì nó đe dọa sự an toàn về nhân phẩm của phụ nữ, do đó phạt hành chính 200.000 đồng không phù hợp. Nhưng nếu vì vậy mà tăng mức phạt lên 2 triệu chẳng hạn thì vẫn không có tác dụng đối với người có tiền. Trái lại, nếu buộc xin lỗi công khai trước nạn nhân và tổ dân phố có khi lại răn đe mạnh hơn.

Riêng đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, tôi đề nghị phải sửa cả chế tài hành chính và hình sự theo hướng nặng hơn và có thể nghiên cứu thêm một số loại chế tài mà các nước khác đã áp dụng cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Khi nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, cũng cần xem thêm những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác như thiếu chặt chẽ hay chưa phù hợp của quản lý nhà nước trên địa bàn, thiếu sâu sát của các gia đình, của nhà trường hay các đoàn thể xã hội hoặc phương tiện, công nghệ giám sát chưa đầy đủ, lạc hậu... Ví dụ, ở Singapore, để chống tiểu bậy trong thang máy, người ta lắp các máy phát hiện mùi. Khi phát hiện mùi nước tiểu, máy kích hoạt thiết bị báo động và thang máy bị đóng cửa cho đến khi người có thẩm quyền xử lý đến.

Tóm lại, khi tình hình xã hội diễn biến xấu, phức tạp thì các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có sự phản ứng kịp thời để chấn chỉnh. Tuy nhiên, phản ứng bằng biện pháp gì và như thế nào thì cần có sự nghiên cứu, cân nhắc mới có giải pháp phù hợp và có hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Phan Anh ghi

NGỌC DUNG - PHẠM DŨNG - NGUYỄN HƯỞNG

phai tang hinh phat yeu rau xanh "Phải tăng án tù, bổ sung lao động công ích với tội phạm dâm ô"

"Vì xem nhẹ hành vi dâm ô nên mức án cũng này rất nhẹ, chỉ 3-7 năm tù. Vì thế người gây ra hành vi ...

phai tang hinh phat yeu rau xanh Cụ ông Malaysia bị phạt roi, ngồi tù vì xâm hại tình dục trẻ sơ sinh

Dù đã cao tuổi, Hashim vẫn phải thi hành mức án 12 năm tù và chịu phạt roi do xâm hại tình dục một bé ...

/ nld.com.vn